Kinh tế
Đằng sau hiện tượng phi công Vietnam Airlines "lâm bệnh" hàng loạt
Thời gian qua, hàng loạt phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã viết đơn xin nghỉ ốm khiến hoạt động bay của hãng bị xáo trộn. Nguyên nhân được đưa ra là do mức lương quá thấp nên có thể các phi công muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác.
Hàng loạt phi công của Vietnam Airlines báo ốm, nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng. |
Hiện tượng lãn công tập thể
Chiều 12-1, Vietnam Airlines đã tổ chức họp báo thông tin về việc hàng loạt phi công của hãng nộp đơn xin nghỉ việc. Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, từ ngày 30-12-2014 đến 4-1-2015 đã có đến 117 lượt phi công báo ốm, 90% số đó nằm ở các đội bay tàu bay Airbus, trong đó chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận của cơ quan y tế. Số lượng này gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Vietnam Airlines coi đây là sự việc nghiêm trọng và là hiện tượng bất thường.
Đánh giá về thực trạng phi công nghỉ ốm trên, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines khẳng định, đây là hiện tượng lãn công tập thể thông qua lý do báo ốm có sự chuẩn bị trước, đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
“Các phi công này có thể muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác. Việc này gây xáo trộn lịch bay và ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay. Nếu không có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm sẽ tiếp tục tái diễn trong dịp cao điểm phụ vụ Tết âm lịch sắp tới”, ông Phạm Viết Thanh bày tỏ sự lo ngại.
Việc phi công đồng loạt báo ốm đã ảnh hưởng đến lịch bay của hãng. Cụ thể, trong dịp nghỉ Tết dương lịch, có ngày Vietnam Airlines đã phải huy động 90% lực lượng khai thác dự bị, có ngày có đến 7-8 chuyến phi công báo ốm. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Minh, hãng có phương án dự bị tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn an toàn an ninh nên không xảy ra hiện tượng thiếu tàu bay, thiếu phi công.
Lương phi công tăng theo lộ trình
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng, một số phi công thuộc Đoàn bay 919 cho rằng, mức lương hiện tại của Vietnam Airlines là quá thấp so với các hãng hàng không khác và thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài được Vietnam Airlines thuê. Theo công bố của Vietnam Airlines trước khi thực hiện IPO, mức lương trung bình dành cho phi công trong năm 2013 là 74,8 triệu đồng/tháng, vị trí tiếp viên là 18,7 triệu đồng/tháng.
Trước thông tin lực lượng lao động kỹ thuật cao muốn ra đi vì lý do thu nhập, ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó ban tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực Vietnam Airlines cho biết: “Việc cải tiến thu nhập của lực lượng phi công đã được thực hiện theo đúng lộ trình, đến cuối năm 2015 sẽ tương đương 75-80% so với phi công nước ngoài ở chức danh tương tự”.
Cụ thể, đến tháng 7-2015 thu nhập của cơ trưởng B777-A330 (bao gồm cả lưu trú) là 117 triệu đồng/tháng, đối với chức danh giáo viên là 217 triệu đồng/tháng. Chức danh tương ứng đối với loại tàu bay A321 là 158 triệu đồng/tháng và 198 triệu đồng/tháng.
Can thiệp sâu vào chính sách?
“Cơn khát nhân sự” trong ngành hàng không diễn ra thời gian gần đây chủ yếu do tốc độ tăng trưởng nhanh của hàng không tư nhân đã dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám trong ngành hàng không.
Để hạn chế thực tế này, ngày 6-1 vừa qua, Hội đồng thành viên Vietnam Airlines đã ra Nghị quyết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lôi kéo nhân viên sang hãng hàng không khác.
Hãng cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020.
Đến ngày 7-1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã có Chỉ thị về quản lý, đảm bảo nguồn nhân lực tại Vietnam Airlines. Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa chấp nhận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines.
Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, trong trường hợp này, Bộ Giao thông vận tải đã can thiệp sâu vào chính sách với ý tạo bất lợi cho các đối thủ của Vietnam Airlines trong quá trình thị trường đang phân bổ lại nguồn nhân lực. “Toàn bộ các chính sách này chỉ nên thuộc nội bộ các doanh nghiệp, không nên có sự can thiệp của Bộ chủ quản. Một chính sách đơn giản là Vietnam Airlines phải tăng phúc lợi cho công nhân, cán bộ của mình để giữ họ ở lại. Đó chính là đặc điểm bình thường trong thị trường khi cầu về lao động tăng lên do có nhiều hãng mới gia nhập ngành, phúc lợi lao động tăng nhờ cạnh tranh”, ông Thành nói.
Cũng theo chuyên gia này, thực trạng này đã bộc lộ một thực tế, trước đây vì độc quyền, Vietnam Airlines có quyền đặt giá lao động kỹ thuật dưới mức thị trường và bây giờ đang muốn níu kéo quyền lợi đó bằng các phương tiện hành chính.
Vietnam+