Kinh tế

Cần quan tâm đời sống công nhân

08:10, 12/01/2015 (GMT+7)

Cách đây 30 năm - ngày 12 tháng 1 năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (HĐNN) Trường Chinh nhân chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đã đến thăm Nhà máy Dệt 29-3 (nay là Công ty CP Dệt may 29-3). Tại đây, sau khi nghe giám đốc nhà máy báo cáo về công tác xây dựng và phát triển nhà máy, Chủ tịch HĐNN đã ân cần dặn dò nhà máy chú trọng về công tác quản lý theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và lần thứ 7.

Chủ tịch HĐNN Trường Chinh (thứ 2 từ phải qua) và Giám đốc Huỳnh Văn Chính (bìa phải) trong chuyến thăm xưởng dệt khăn Nhà máy Dệt 29-3.
Chủ tịch HĐNN Trường Chinh (thứ 2 từ phải qua) và Giám đốc Huỳnh Văn Chính (bìa phải) trong chuyến thăm xưởng dệt khăn Nhà máy Dệt 29-3.

Chỉ đạo về đời sống người công nhân và chính sách tiền lương, Người đã nói “… Phải nói rằng: người công nhân phải sống vì tiền lương, sống bằng tiền lương và phải có điều kiện để nuôi được một đứa con. Người công nhân bố hoặc mẹ đi làm, phải đảm bảo cho một đứa con ăn theo. Đồng lương phải đủ nuôi cho người công nhân sống để ngày hôm sau người công nhân ấy có sức lao động làm ra của cải cho xã hội.

Thế thì ta phải chú ý đến điều kiện vật chất và sinh hoạt cho người công nhân. Nếu nói rằng phải làm đi thì mới được tăng lương - tôi nghĩ rằng nói như thế hơi ngược. Công nhân phải có ăn thì mới làm được, mới phục hồi được sức lao động, mới tái sản xuất được sức lao động, và làm được lãi thì nộp cho Nhà nước và từ đó mà tiền lương, phúc lợi cho công nhân được bảo đảm.

Như thế, Nhà nước và công nhân vẫn là một thôi. Nhà nước của giai cấp công nhân, Nhà nước phải chăm lo đời sống của công nhân để công nhân làm ra nhiều của cải vật chất, và khi làm ra nhiều của cải vật chất thì có tích lũy nhiều. Nhưng mà các đồng chí đừng quên rằng: Người công nhân đói không có ăn thì người ta không làm được, đó là điều thông thường! Vì thế, việc quan tâm đời sống của công nhân là rất quan trọng. Nói rằng phải tăng năng suất lao động đến một mức nào đó rồi mới có thể nói đến cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương thì có khi ta tự bó lại” (1)

Quán triệt lời chỉ đạo của Chủ tịch nước, trong 30 năm qua, dù trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn thách thức, song Nhà máy Dệt 29-3 nay là Công ty CP Dệt may 29-3 vẫn luôn lấy yếu tố con người làm nền tảng để xây dựng các quyết sách về đầu tư phát triển. Bên cạnh các mục tiêu đổi mới thiết bị, sắp xếp lại sản xuất để đảm bảo việc tăng năng suất, chất lượng làm cơ sở vững chắc để tăng thu nhập người lao động, công ty không ngừng cải thiện môi trường làm việc thông thoáng, nhà lưu trú công nhân bảo đảm nơi ăn ở cho 200 người, hội trường - nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ có sức chứa 500 người và 2 nhà ăn giữa ca bảo đảm cho 3.000 cán bộ, công nhân viên ăn buổi trưa miễn phí.

Với tất cả những gì có thể làm được, công ty không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, là động lực để anh chị em gắn bó trọn đời mình vào những bước thăng trầm của công ty. Không chỉ có họ mà có nhiều anh chị em cả hai ba thế hệ con cháu cùng làm việc và xem công ty như là một tổ ấm chan chứa tình yêu lao động!

Năm 2014, trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và thế giới chưa mấy thuận lợi, song nhờ tinh thần thi đua có bề dày truyền thống, công ty đã hoàn thành các mục tiêu sản xuất trước thời hạn trên 30 ngày. Nhiều chỉ tiêu như doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 20% đến 30%, thu nhập người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 12% so với năm 2013. Đặc biệt, tiền thưởng Tết cho người lao động bình quân mỗi người trên 9 triệu đồng và công ty đã sắp xếp cho tất cả người lao động vui xuân đón Tết 11 ngày .

Bước vào năm 2015, với tình cảm hướng về kỷ niệm 30 năm ngày Chủ tịch HĐNN Trường Chinh đến thăm, tại hội nghị giữa lãnh đạo và người lao động vừa diễn ra đi đến thống nhất với mục tiêu thi đua năm 2015 tăng từ 10% đến 20% so với năm 2014; trong đó thu nhập bình quân người lao động 6.800.000/người/tháng. Đặc biệt, cải thiện thời gian làm việc người lao động với quyết tâm không tăng ca tăng giờ và khuyến khích các xí nghiệp chuyển giờ vào ca 7 giờ thành 7 giờ 30 để chị em lao động nữ có điều kiện đưa con đến trường và thuận tiện sắp xếp việc gia đình vì suy cho cùng việc “quan tâm đời sống của công nhân là rất quan trọng” (2).

HUỲNH VĂN CHÍNH

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3


* 1, 2: Trích lời phát biểu của Chủ tịch HĐNN Trường Chinh

.