Kinh tế

Đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP

Vì sao ngư dân đồng loạt dừng?

07:53, 30/01/2015 (GMT+7)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Đỗ Tám cho biết, đến giữa tháng 1-2015, khi thời hạn nộp hồ sơ đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hạn, số lượng ngư dân nộp hồ sơ chỉ bằng 1/6 số lượng đăng ký trước đó.

Ngày 25-8-2014, Nghị định 67 có hiệu lực, ngư dân thành phố Đà Nẵng hết sức hào hứng, lập phương án đóng mới. Một số ngư dân dù đã nghỉ biển vài năm, nhưng nghe có Nghị định 67 cũng lập phương án để đăng ký đóng tàu.

Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, đã có 157 tổ chức, cá nhân lập phương án và đăng ký đóng 182 chiếc tàu. Thế nhưng, đến ngày hết hạn nộp hồ sơ cấp phường, chỉ có 37 chiếc (33 chiếc đóng mới, 4 chiếc nâng cấp) đăng ký chính thức.

Ngư dân địa bàn quận Sơn Trà đăng ký 126 chiếc. Nhưng theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, đến cuối tháng 1, quận chỉ nhận được 12 bộ hồ sơ (đóng mới 12 chiếc), đã xét duyệt 8 hồ sơ đạt tiêu chí, hiện có 2 hồ sơ đang bổ sung.

Như vậy, quận Sơn Trà chỉ nộp hồ sơ đóng mới chưa bằng 1/10 so với đăng ký trước đó. Ngư dân Đặng Văn Mầy (phường An Hải Tây) cho biết: Chính sách đóng mới tàu của Nghị định 67 sẽ tạo cho thành phố có một đội tàu lớn vươn khơi xa. Nhận thấy điều này, anh em trong gia đình chúng tôi đã đăng ký đóng mới 10 chiếc.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ nghị định thì cảm thấy rất khó khăn, không thể thực hiện được. Từ đó, chúng tôi dừng dự án. Theo lãnh đạo phường An Hải Tây, toàn phường có 14 ngư dân đăng ký đóng mới. Khi thời hạn nộp hồ sơ lên phường sắp hết nhưng không thấy ai đến nộp, điện thoại hỏi thì ngư dân nêu nhiều lý do để xin từ chối.

Tại phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), ngư dân cũng đồng loạt không nộp hồ sơ. Các phường như Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cũng chỉ có vài người nộp hồ sơ thực hiện. Ông Nguyễn Quang Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà cho biết, ngư dân đưa ra hai nguyên nhân khiến họ không thực hiện theo Nghị định 67, đó là việc buộc phải dùng máy mới và phải có vốn đối ứng trước khi vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Dàng (phường Xuân Hà) là một người trước đây rất mong muốn đóng tàu theo Nghị định 67. Trước khi chưa có Nghị định 67, ông Dàng làm tàu chung với một ngư dân ở địa phương. Muốn tách ra và đóng tàu theo Nghị định 67, ông bàn với “bạn” bán tàu, sau đó mua con tàu nhỏ 70CV làm tạm ở vùng lộng, chờ Nghị định 67 nhưng đến nay ông cũng không nộp hồ sơ.

Ông Nguyễn Văn Dàng cho biết: Ban đầu chúng tôi nghĩ nó đơn giản, nộp hồ sơ vay là được. Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ thì không dễ dàng. Ngoài việc sử dụng máy mới (khá đắt tiền, hơn 2 tỷ đồng/máy), việc phải có vốn đối ứng là điều kiện mà ngư dân không dễ tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng. Bởi đóng mới con tàu lớn ít nhất từ 7-11 tỷ đồng. Nếu vay tối đa 90%-95% thì chúng tôi cũng phải bỏ ra cả tỷ đồng. Tiền đâu ra?

Trong khi đó, ông Lê Văn Chiến (chủ tàu ĐNa 90351, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) – một lão ngư đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2014” chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi thích xài máy cũ của Mỹ (tuy cũ nhưng còn đến 80% chất lượng), giá chỉ 500-600 triệu đồng. Vì vậy, khi nghe máy mới giá cao, nhiều người chùn bước. Hơn nữa, chúng tôi ai nấy cũng đã lớn tuổi, con cái thì ít chịu theo nghiệp của mình. Vay đóng một con tàu lớn trị giá 7-10 tỷ đồng, mỗi năm phải trả khoảng 1 tỷ đồng, cho đến khi mình già, nghỉ biển chưa chắc đã trả xong, lại ôm nợ ngân hàng”.

Ông Chiến cho rằng, so với Nghị định 67 của Chính phủ và Quyết định 7068 (nay là Quyết định số 47/2014 của UBND thành phố Đà Nẵng - quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng) thì việc đóng mới tàu theo quyết định của thành phố có lợi hơn.

“Đóng con tàu vỏ gỗ 800CV, được thành phố hỗ trợ “tiền tươi” 800 triệu đồng. Trong khi mình có thể dùng máy cũ của Mỹ giá rẻ nhưng khá chất lượng. Hơn nữa, vốn bỏ ra ít, đồng nghĩa với việc nợ nần ít, sẽ có nhiều khả năng trả nợ”, ông Chiến phân tích thiệt hơn.  

Đến nay, các quận đã tiến hành xét duyệt hồ sơ để trình lên thành phố. Theo lãnh đạo các quận, việc xét duyệt rất cẩn thận, đúng với tiêu chí của Nghị định cũng như Quyết định 43 của UBND thành phố Đà Nẵng về Ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hưởng chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

“Việc đóng tàu lớn vươn khơi là một chủ trương lớn của Chính phủ về phát triển thủy sản, tuy nhiên không thể gấp gáp, nôn nóng, mà phải hết sức thận trọng, không thể làm để lấy điểm được. Bởi đây là nguồn vốn vay ngân hàng và phải trả hằng tháng”, ông Nguyễn Đỗ Tám chia sẻ. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, đến tháng 3-2015, công tác xét duyệt sẽ hoàn thành để chuyển hồ sơ cho phía ngân hàng giải ngân.

NGỌC PHÚ

.