.

16 tháng trên "Công trình không ngủ"

.

Công trình nút giao thông ngã ba Huế được thi công xuyên suốt 2 mùa Tết Giáp Ngọ 2014 và Ất Mùi 2015, ròng rã 16 tháng, không kể ngày hay đêm, giờ đây hiện hữu, trở thành một trong những điểm nhấn về kiến trúc của thành phố Đà Nẵng.

Công trình Nút giao thông ngã ba Huế được khánh thành vào ngày 29-3-2015. Ảnh: V. NỞ
Công trình Nút giao thông ngã ba Huế được khánh thành vào ngày 29-3-2015. Ảnh: V. NỞ

Cách đây 18 tháng, ngã ba Huế là địa danh để lại trong tâm trí người tham gia giao thông nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng nhiều ấn tượng cũng như nỗi đau. Bởi lẽ, nơi đây thường xảy ra nạn kẹt xe và tai nạn thương tâm, mà có lẽ nhiều người vẫn chưa thể xóa nỗi ám ảnh vì mất người thân.

Cái tên ngã ba Huế được hình thành rất tự nhiên theo cung đường Bắc - Nam, theo cách truyền miệng của dân gian. Từ lâu lắm rồi, dòng xe ra Bắc, vào Nam đi qua nơi đây và đây cũng là nơi đưa đón người dân ra Huế nên đã hình thành địa danh nổi tiếng này. Hơn nữa, trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đây là nơi mà bộ đội ta đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt và oai hùng.

40 năm sau ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, đau thương do chiến tranh để lại, nhưng vẫn còn đó đau thương trong hòa bình như: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, kẹt xe, tai nạn thường xuyên... Nhiều người dân Đà Nẵng nói chung và nhân dân giáp 3 quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ mong ước có công trình giao thông để có thể xóa đi “điểm đen” giao thông nhức nhối này.

Kiến trúc độc đáo

Tháng 11-2010, thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc nút giao thông khác mức tại ngã ba Huế. Qua nhiều lần xem xét, tham khảo ý kiến giới chuyên môn và bộ, ngành, lãnh đạo thành phố đã chọn kiểu kiến trúc độc đáo mang ý nghĩa lịch sử vùng, miền gắn liền với nền văn hóa Chămpa, đó là biểu tượng Linga và Yuni, tượng trưng cho cội nguồn sự sống.

Sau 18 tháng kể từ lễ khởi công vào ngày 28-9-2013, công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế được đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.

Để có được niềm vui của ngày hôm nay, nhà đầu tư đã quyết tâm, dốc toàn lực tổ chức thi công 3 ca không kể ngày hay đêm, ngày nghỉ, lễ hay Tết, suốt 16 tháng, cũng vì một lời hứa, cam kết với Bộ GTVT, UBND thành phố và người dân Đà Nẵng: khánh thành công trình vào ngày 29-3-2015.

Một lần đến thăm và chúc Tết công trường vào mồng 1 Tết Giáp Ngọ 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã động viên và đặt cho nút giao thông khác mức ngã ba Huế cái tên rất ấn tượng: Công trình không ngủ.

Và ngày 29-3-2015, giữ đúng lời hứa, dự án đã được hoàn thành, đã về đích.

11.520.000 giờ lao động miệt mài

Trung Nam đã được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND thành phố Đà Nẵng chỉ định là nhà đầu tư. Lúc đó, dự án chưa đền bù giải phóng mặt bằng; thiết kế chỉ dừng lại ở bước thiết kế cơ sở; hợp đồng tín dụng tài trợ vốn chưa được ký kết; rồi phải thi công trong vùng giao thông vừa đường sắt, vừa đường bộ và khu đô thị mua bán sầm uất; di dời các hệ thống công trình ngầm, điện, nước, thông tin, cáp quang…; đồng thời phải duy trì tiện nghi sinh hoạt điện, nước, thông tin; rồi rơi vào mùa mưa bão. Vừa khởi công xong thì 3 cơn bão đổ bộ vào miền Trung và Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, có dư luận cho rằng, 95% là không thể hoàn thành dự án trong 18 tháng. Tuy nhiên, dù chỉ còn 5%, nhưng với ý chí và quyết tâm, cùng những khối óc, mồ hôi, sức trẻ của đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trường, Trung Nam đã làm nên kỳ tích tưởng như không thể. Những kiểu kết cấu công trình này có rất nhiều trên đất nước Việt Nam, nhưng tích hợp kiểu kết cấu và kiến trúc như thế này thì có lẽ chỉ có nút giao thông ngã ba Huế.

Trong quá trình triển khai dự án đã đánh dấu rất nhiều cảm xúc, từ công tác đền bù, thi công; cảnh công nhân ăn vội ổ bánh mì để vào ca; những lá thư của những nguời con ở phương xa gửi bố, thúc giục bố về ăn Tết cùng gia đình; những giọt nuớc mắt nhớ nhà khi đón 2 giao thừa xa quê; những buổi họp giao ban căng thẳng…

Nhưng tựu trung tất cả đều mong muốn công trình hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tiến độ dự án là 18 tháng, nhưng để chuẩn bị và tránh mưa bão, thực tế chỉ triển khai thi công 16 tháng. 480.000 công lao động đã được huy động, tương đương 11.520.000 giờ lao động miệt mài 24/24 giờ, xuyên suốt 2 mùa Tết Giáp Ngọ 2014 và Ất Mùi 2015, ròng rã 16 tháng, ngày và đêm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đến thăm và động viên công trường. Có lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nói lên nguyện vọng của dân là muốn được Thủ tướng cho triển khai tháp dây văng và nhánh thứ 4 - trục 1 Tây Bắc để kết nối vào dự án nút giao thông ngã ba Huế trong giai đoạn đầu tư này.

Sau đó, bao chờ mong của người dân Đà Nẵng đã được đền đáp: Chính phủ và Bộ GTVT cho phép triển khai bổ sung. Khối lượng phát sinh tăng thêm 30% hợp đồng là áp lực rất lớn về tiến độ, nhưng nhà đầu tư cùng nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đã cố gắng 100% sức người và trí lực để hoàn thành công việc khổng lồ với quỹ thời gian quá ngắn.

Tuy triển khai thi công nhanh, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ nhưng công trình vẫn bảo đảm chất lượng, mỹ thuật và an toàn lao động được đặt lên hàng đầu.

Người dân đồng thuận

Nói đến thành công ấn tượng của dự án này, phải nói trước tiên là ấn tượng và kỳ tích đền bù giải phóng mặt bằng - khâu quyết định then chốt. Tại đây, có hơn 450 hộ dân sinh sống. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận cao của đa số người dân, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện rất nhanh và đáp ứng yêu cầu thi công. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự vào cuộc của UBND 3 quận, 4 phường vùng dự án và các sở, ban, ngành, nhất là Sở GTVT, nhà đầu tư có cơ hội để hoàn thành dự án này.

Công trình gây không ít phiền hà cho người dân xung quanh bởi tiếng ồn. Song, người dân xung quanh cũng đã thấu hiểu và chia sẻ phần nào. Nếu không có sự đồng thuận và chia sẻ của người dân thì không thể hoàn thành dự án.

Ngoài ra, sự thành công này không thể không nói đến nhà tài trợ vốn: Ngân hàng SHB đã giải ngân kịp thời vốn vay cho dự án.

Nút giao thông khác mức ngã ba Huế là nút giao lập thể hình xuyến hoàn chỉnh kết hợp cầu vượt gồm 3 tầng: tầng mặt đất cho các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt, cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao với các nhánh rẽ, cầu vượt tầng 2 cho hướng ưu tiên từ Huế vào trung tâm thành phố và ngược lại. Tổng mức đầu tư dự án là 2.050.000.000.000 đồng.

Khi dự án sắp đưa vào khánh thành, người dân Đà Nẵng và các vùng lân cận nô nức đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm tại công trình. Niềm hân hoan và tình cảm sâu sắc của người dân đã xua tan bao mệt mỏi cho những người trực tiếp thực hiện công trình.

Sau chiến dịch 20 ngày đêm nước rút để hoàn thành dự án, giờ đây, anh em kỹ sư mới thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy công trình không ngủ. Những hình ảnh nút giao thông khác mức ngã ba Huế do người dân chụp và đưa lên các trang mạng xã hội đã giúp Trung Nam tô điểm thêm cho Đà Nẵng, thành phố được người dân tặng cho một cái tên rất ấn tượng: Thành phố của những cây cầu kiến trúc độc đáo.

Hy vọng rằng, khi nhắc đến ngã ba Huế, người dân sẽ nhớ đến một công trình xóa đi nạn kẹt xe, ô nhiễm và tai nạn, cũng như là điểm nhấn kiến trúc vùng Tây Bắc Đà Nẵng. Rồi mai đây, công trình được kết nối với trục Tây Bắc của thành phố, hướng ra biển, sẽ là đầu mối giao thông thuận tiện, đáp ứng sự mong đợi của lãnh đạo và người dân Đà Nẵng.

NGUYỄN TÂM TIẾN

Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam

;
.
.
.
.
.
.