Suốt một tháng qua, nhiều nông dân của huyện Hòa Vang và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) ra đồng tát nước vào ruộng để chống hạn cho lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh mạnh.
Mới đầu xuân, nhiều nông dân phải ra đồng tát nước chống hạn cho lúa. |
Đặc biệt, ngày 4-3, xuất hiện một số bài báo mạng phản ánh nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vì nhiễm mặn làm người dân thêm hoang mang, lo lắng.
Nông dân gặp khó
Không xuất hiện lũ lớn trong mùa mưa bão năm 2014 và tình hình suy giảm lượng mưa từ cuối năm 2014 đến nay không chỉ làm mực nước các sông, hồ, đồng ruộng và mực nước ngầm hạ thấp. Tại nhiều thửa ruộng, do lượng nước bơm về chảy theo hệ thống kênh mương không đủ tràn đồng như trước nên nhiều nông dân phải đem thau, xô, gàu… ra đồng tát nước vào ruộng. “Ngày 28 Tết ra thăm ruộng thấy nước chảy về không tràn vào ruộng được nên phải đem thau ra tát.
Đến ngày mồng 8 Tết thấy ruộng khô quá phải tát nước vào, giờ ra đồng tát lại. Với tình hình này thì cứ một tuần phải tát nước vào ruộng. Năm vừa qua không có lũ lớn nên chuột nhiều, phá lúa và cũng tốn nhiều phân bón cho lúa hơn”, bà Đào Thị Ba (thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Châu (thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) than thở: “Không có năm nào như năm nay, mới đầu vụ đông xuân đã gặp hạn hán. Đã vậy còn bị chuột phá hại làm cả thửa ruộng lúa xơ xác”.
Hơn một tháng qua, nhiều nông dân ở phường Hòa Quý nhấp nhổm vì nước từ Trạm bơm Tứ Câu (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chảy ra thất thường, thậm chí mấy ngày liền không thấy nước chảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn cho biết: “Từ ngày 23-1 đến nay, nước sông Vĩnh Điện ở cửa thu Trạm bơm Tứ Câu bị nhiễm mặn nặng, có lúc độ mặn lên đến 5‰ (5.000mg/l), nếu bơm cho cây trồng sẽ bị chết liền vì tiêu chuẩn nước ngọt tưới cho cây trồng không được quá 0,8‰ (800mg/l). Trạm bơm này phải chờ thủy triều thật ròng mới lách được mặn, tiến hành bơm nước cứu lúa, nhưng thời gian bơm được không nhiều”.
Đắp đập, tưới tiết kiệm
Trước tình trạng mặn xâm nhập với nồng độ lớn, để bảo đảm nguồn nước ngọt cung cấp cho ruộng đồng, ngày 28-2, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã khởi công đắp đập bổi trên sông Vĩnh Điện cách Trạm bơm Tứ Câu khoảng 100m nhằm ngăn mặn, giữ ngọt. Tuyến đập có chiều dài 95m, cao từ 5-7m, bề rộng mặt đập 3m với kinh phí 1,2 tỷ đồng. “Đập bổi này sẽ được thi công hoàn thành vào giữa tháng 3-2015, kịp thời cho Trạm bơm Tứ Câu hoạt động, bơm nước tưới ổn định cho 2.200 ha lúa ở huyện Điện Bàn, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và 80 ha lúa ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn”, ông Đức nói.
Còn theo ông Trương Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, trong vụ đông xuân này, công ty đảm nhận tưới 1.764 ha, trong đó có 660 ha tưới từ các hồ đập, còn lại 1.104 ha tưới từ các trạm bơm điện. Hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung đang trữ đầy nước, mực nước tại các trạm bơm điện ổn định nhưng thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Mực nước trên các sông cũng xuống thấp dẫn đến việc vận hành các trạm bơm điện gặp khó khăn.
Dự báo có thể xuất hiện nắng nóng kéo dài gây hạn hán trên hiện rộng trong vụ đông xuân này. Công ty cũng đã xây dựng phương án chống hạn ngay từ đầu vụ với phương châm tiết kiệm tối đa, để dành nước cho sản xuất vụ hè thu.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở vừa chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước sản xuất đến cuối vụ hè thu.
Theo đó, tăng cường quản lý nước, kiểm tra đồng ruộng, các ao nuôi trồng thủy sản để khống chế lượng nước cấp và điều tiết nước hợp lý, phối hợp với các đội thủy nông cơ sở tổ chức lấy nước đúng phiên, tưới tiết kiệm nước; thường xuyên kiểm tra kênh mương và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra; tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn tạm thời trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước ở kênh tưới, bờ ruộng, nạo vét kênh mương; tập trung máy bơm điện, máy bơm dầu để bơm nước từ các ao, bàu, kênh tiêu, sông suối khi cần; lập phương án chống hạn phục vụ sản xuất thật cụ thể…
Còn theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), thông tin “nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vì nhiễm mặn” đăng trên một số tờ báo mạng là không chính xác. Thực tế, sông Cầu Đỏ mới nhiễm mặn nặng (vượt quá mức quy định 250mg/l) 3 ngày nay với độ mặn cao nhất chưa đến 600mg/l và chỉ xảy ra vài giờ khi thủy triều dâng cao và cũng chỉ mới huy động nước ngọt từ trạm bơm phòng mặn An Trạch ít giờ bơm. DAWACO đã có phương án và sự chuẩn bị ứng phó với tình hình nhiễm mặn nguồn nước, bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định và đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế về nước sinh hoạt cho người dân thành phố.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP