Từ một thành phố tỉnh lỵ, là cứ điểm phục vụ cho cỗ máy chiến tranh, sau năm 1975 đô thị Đà Nẵng đi lên trên sự hoang tàn, ngổn ngang.
Cầu Rồng được bổ sung với bến du thuyền vừa thể hiện tính truyền thống nhưng cũng hiện đại. |
Và sau 40 năm, nhất là từ khi thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn mình trở thành đô thị hiện đại, có bản sắc, hội nhập quốc tế và được vinh danh “thành phố phong cảnh”.
Bây giờ, những địa danh quận nhất, quận nhì hay quận ba đã phai nhòa và được thay thế bằng những địa danh hành chính gắn liền với đất và người Đà Nẵng như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Cẩm Lệ… Đó là sự đổi thay thần kỳ về quy mô phát triển đô thị gấp 3 lần so với năm 1975. Đà Nẵng đã đổi thay về diện mạo, tầm vóc để tạo ra một thành phố duyên dáng, trẻ trung và tràn đầy sức sống bên dòng sông Hàn thơ mộng. Đóng góp cho diện mạo đô thị Đà Nẵng là xây dựng bản sắc kiến trúc.
Kiến trúc ở Đà Nẵng được nhận diện qua việc xác lập 21 điểm nhấn vừa được thành phố công bố, trong số này có nhiều công trình có kiến trúc hiện đại nhưng gắn bó, thân quen với đời sống xã hội.
Trong những ngày này người dân thành phố hân hoan với sự kiện cầu vượt ngã ba Huế được khánh thành đưa vào sử dụng. Một điểm nhấn kiến trúc mới của thành phố vừa hiện đại vừa gắn với truyền thống khi ý tưởng kiến trúc đã được khơi nguồn từ nền văn hóa Chăm về vũ trụ “Đất” - “Trời”; nguồn cảm hứng từ hình ảnh Linga và Yoni thể hiện sự hòa hợp của âm - dương…
Những cây cầu bắc qua sông Hàn đã và đang là niềm tự hào của Đà Nẵng cũng là sắc thái kiến trúc đô thị được định hình với cầu Trần Thị Lý là cánh buồm no gió đưa thành phố ra biển khơi; cầu Rồng thể hiện thế và lực của thành phố đầu biển, cuối sông; cầu Sông Hàn nối nhịp bờ vui, gắn kết đôi bờ đông - tây, xóa khoảng cách nội thành với vùng ven, xóa đói nghèo lam lũ...
“Ngọn hải đăng” Trung tâm Hành chính thành phố sừng sững vươn cao dẫn dắt và định hình việc xây dựng một đô thị Đà Nẵng hiện đại. Cái tinh tế của kiến trúc công trình ở Đà Nẵng là tính hiện đại nhưng ẩn chứa nét văn hóa truyền thống.
Đô thị Đà Nẵng có sự lan tỏa về bề rộng nhưng cũng tràn đầy những khát vọng vươn lên tầm cao. Nhiều công trình cao ốc vươn lên trên bầu trời thành phố với những hình khối vững chãi, hiện đại như Indochina Riverside, Azura, Novotel… và nhiều công trình khác đang đầu tư xây dựng với thiết kế kiến trúc hiện đại.
Trong bộn bề của quá trình đô thị hóa, chỉnh trang và phát triển đô thị, kiến trúc các công trình dân dụng của cộng đồng dân cư cũng nhạy bén, tiếp thu và phổ biến nhanh các mẫu nhà phố nhiều công năng. Mặt ngoài công trình hài hòa với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, màu sắc tương đối đồng bộ. Ở Đà Nẵng rất ít và hiếm có tình trạng thiết kế kiến trúc tùy hứng, vay mượn. Thị hiếu thẩm mỹ trong kiến trúc của người Đà Nẵng kín đáo, nhẹ nhàng, trong đó gian phòng khách bao giờ cũng rộng rãi biểu thị sự hiếu khách của gia đình.
Kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng được định hình với không gian sông nước và biển cả. Với lợi thế có núi, có sông, có biển nên cảnh quan đô thị Đà Nẵng được thiết kế hài hòa với tự nhiên. Những công viên, khu vui chơi giải trí ven sông, ven biển hay những con đường, những dãy phố, cây cầu, hàng cây, những công trình hiện đại đang mọc lên từng ngày… tạo ra sự mềm mại của đô thị Đà Nẵng.
Tính hiện đại trong thiết kế kiến trúc đô thị đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố phong cảnh” là bước khởi đầu xác lập bản sắc kiến trúc nơi đây.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG