Kinh tế

Ngành công nghiệp không ngừng lớn mạnh

13:21, 27/03/2015 (GMT+7)

Trước năm 1975, nền công nghiệp Đà Nẵng rất nghèo nàn, chủ yếu sản xuất mang tính tự sản, tự tiêu.

Công ty CP Dệt may 29-3 may hàng xuất khẩu.
Công ty CP Dệt may 29-3 may hàng xuất khẩu.

Những cơ sở đáng kể nhất của ngành công nghiệp Đà Nẵng thời kỳ này là vài tổ máy phát điện GM (General Motor) chạy bằng diesel, công suất 50-100KVA, một xưởng cơ khí (trong sân bay quân sự), một nhà máy nước Cầu Đỏ (đặt tại Sân bay Đà Nẵng) với công suất từ 8.000m3 đến 10.000m3/ngày đêm, một xưởng đắp lốp ô-tô cho xe quân sự. Công nghiệp nhẹ chỉ có hãng dệt sợi Sicovina (nay là Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ), bia BGI (Nhà máy Bia Đà Nẵng sau này), xưởng khí đất đèn Hòa Khánh (nay là Công ty CP Khí Đà Nẵng), một vài cơ sở tư nhân nhỏ như: Cơ sở nhôm Đa-Kim-Cô, các lò đúc nhôm, đồng xuất khẩu dùng nguồn phế liệu chiến tranh, cơ sở sửa chữa ô-tô, sản xuất nước đá… chủ yếu là tự sản, tự tiêu.

Phục hồi và phát triển ngành công nghiệp thành phố được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng xác định là nhiệm vụ quan trọng trước mắt cũng như lâu dài. Với quyết tâm cao và tranh thủ sự chi viện của các địa phương từ miền Bắc, ngành công nghiệp thành phố đã từng bước khôi phục và phát triển. Chỉ sau một thời gian ngắn, ngành công nghiệp thành phố cơ bản có đủ các cơ sở sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các cơ sở từ chế độ cũ để lại được phục hồi, đầu tư mới và ngày càng phát triển như Hãng sợi Sicovina đã nhanh chóng trở thành Nhà máy Dệt Hòa Thọ, sản xuất hàng triệu mét vải/năm; Xưởng khí đất đèn Hòa Khánh trở thành Nhà máy Dưỡng khí Đà Nẵng…

Cùng lúc, hàng chục nhà máy mới được đầu tư xây dựng như: Nhà máy Cơ khí Đà Nẵng, Nhà máy Xe đạp Đà Nẵng, Nhà máy Cao su Đà Nẵng, Nhà máy Điện cơ Đà Nẵng… và hàng trăm tổ hợp tác, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thu hút hàng chục ngàn lao động. Trong đó có rất nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã phát triển thành những nhà máy, công ty lớn, tồn tại và phát triển đến ngày nay như: Công ty CP Dệt-may 29-3, Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, Công ty Xây lắp điện Quảng Nam-Đà Nẵng, các nhà máy thép, xi-măng, vật liệu xây dựng...

Đỉnh cao là vào những năm 80 của thế kỷ 20, ngành công nghiệp thành phố nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua toàn quốc, về quy mô chỉ đứng sau 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Niềm tự hào của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đà Nẵng lúc bấy giờ là những sản phẩm diesel 12 sức ngựa, sơ-mi pít-tông cho các đầu máy xe lửa nhập từ Rumani (ngành đường sắt), xe đạp, quạt điện công nghiệp và dân dụng, đồ nhôm, nhựa, đinh, bản lề, cánh cổng thép cho các đập thủy lợi lớn như Phú Ninh, An Trạch và nhiều địa phương khác, máy ươm tơ cải tiến, săm lốp ô-tô, xe máy và xe đạp, hải sản đông lạnh xuất khẩu, giấy vở học sinh…

Riêng ngành điện là một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng có bước phát triển tương xứng với đô thị Đà Nẵng. Đến nay, cả thành phố đã có hàng ngàn kilômét đường dây, hàng trăm trạm biến áp lớn với sản lượng điện thương phẩm trên 2 tỷ kWh/năm, có đủ điện cho các nhu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt là ngành công nghiệp.

Đặc biệt, từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), ngành công nghiệp Đà Nẵng đã phát triển cơ bản toàn diện cả về cơ cấu kinh tế và quy mô với tốc độ tăng trưởng 14% - 16% năm. Với những chính sách hợp lý, thành phố đã thu hút hàng chục doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, sự phát triển vượt bậc của những doanh nghiệp mạnh của thành phố đã tạo ra bước đột phá trên các lĩnh vực công nghiệp như cao su, dệt may, thép, vật liệu xây dựng...

Điểm nhấn đáng chú ý là năm 2013, lần đầu tiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD; năm 2014, con số này là trên 1,15 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2014, thành phố thu ngân sách được 11.589 tỷ đồng, vượt trên 8% dự toán, đạt 106,12% dự toán do Trung ương giao, trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp đóng góp gần 50%. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc bảo đảm nguồn thu ổn định, vững chắc của thành phố.

Điều đáng tự hào là đến nay, có hàng trăm mặt hàng của ngành công nghiệp (kể cả doanh nghiệp FDI) đã được xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới như các mặt hàng dệt-may, chế biến hải sản, lốp ô-tô các loại, giày thể thao… của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp thành phố; cần câu cá các loại, mô-tơ điện nhỏ, đồ chơi trẻ em và nhiều chi tiết là thiết bị của ngành viễn thông, phụ tùng ô-tô… của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố.

Từ một thành phố tiêu dùng (trước năm 1975), đến nay, Đà Nẵng đã trở thành thành phố công nghiệp, có nhiều sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vừa xuất khẩu với giá trị kim ngạch ngày càng cao. Hiện có khoảng trên 40% lao động của thành phố đang làm việc các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp. Thành quả ngành công nghiệp Đà Nẵng đạt được trong 40 năm qua là một trong những thành tựu đáng tự hào của thành phố.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

.