.

Tiếp sức doanh nghiệp

.

Sau 1 năm thực hiện “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ DN vươn lên sản xuất, kinh doanh.

Năm 2014, với việc hạ lãi suất ưu đãi, ngân hàng đã thực sự “tiếp sức” cho doanh nghiệp vươn lên sản xuất, kinh doanh.
Năm 2014, với việc hạ lãi suất ưu đãi, ngân hàng đã thực sự “tiếp sức” cho doanh nghiệp vươn lên sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Ngân hàng Quân đội, Chi nhánh Đà Nẵng (MB Đà Nẵng) cho biết, năm 2014, MB Đà Nẵng đã cung ứng gói lãi suất cho vay quy mô 10.000 tỷ đồng hướng đến các DN nhỏ và vừa (SME), áp dụng cho các khách hàng SME có phương án kinh doanh khả thi, tình hình kinh doanh ổn định. Ngoài ra, MB cũng đã có chương trình cho vay siêu tốc bổ sung vốn kinh doanh với thời gian cho vay 10 giờ từ thời điểm ngân hàng nhận hồ sơ lãi suất ưu đãi, nắm bắt nhu cầu vay nhanh chóng, thuận tiện, hỗ trợ cho các đối tượng DN SME.

Bên cạnh những gói tín dụng ngắn hạn cho các DN SME, MB còn quan tâm và dành gói tín dụng trung hạn ưu đãi 1.000 tỷ đồng đáp ứng cho các nhu cầu đầu tư trung, dài hạn của các DN trong bối cảnh cần nguồn vốn tăng năng lực sản xuất khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, còn nhiều chương trình ưu đãi dành cho các DN lớn trên địa bàn thành phố như gói tín dụng Large Corp, NVD lãi suất linh hoạt, gói tín dụng Bluechip...

“Bên cạnh những chương trình, gói cho vay lãi suất ưu đãi, MB luôn đồng hành với DN, chủ động hỗ trợ, phân tích, đánh giá và tư vấn cho khách hàng, cùng DN xây dựng các phương án cơ cấu hợp lý phù hợp với tình hình kinh doanh, tiếp cận với các chính sách theo đúng quy định của Nhà nước và của MB, giúp DN vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đông chia sẻ. Với những nỗ lực đó, MB Đà Nẵng đã được các DN trên địa bàn ghi nhận và gắn bó, số lượng khách hàng mới đồng hành thêm trong năm 2014 với MB Đà Nẵng hơn 400 DN.

Trong khi đó, Sacombank Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách ưu đãi. Theo ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Sacombank Đà Nẵng cho biết, ngân hàng có chương trình hỗ trợ tín dụng cho DN mua sắm phương tiện với dư nợ hơn 100 tỷ đồng; ưu đãi DN vay USD dành cho xuất, nhập khẩu, FDI với dư nợ trên 250 tỷ đồng; các DN phân phối hàng tiêu dùng với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng và các khách hàng lần đầu tiên vay với dư nợ gần 500 tỷ đồng…

Hỗ trợ cho “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Agribank Đà Nẵng đóng vai trò khá tích cực. Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, năm 2014, trong 1.000 DN có quan hệ tín dụng với Agribank thì có 20% DN được áp dụng cơ chế giãn nợ (tổng số DN được giãn nợ trên 800 tỷ đồng, trên tổng dư nợ 6.000 tỷ đồng). “Nhờ được giãn nợ mà DN không bị áp lực về nợ quá hạn, tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng để vươn lên sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố”, ông Đoàn Phúc nói.

Theo ông Đoàn Phúc, năm 2014, Agribank Đà Nẵng tiến hành giảm lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng trên 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: DN nhỏ và vừa; DN công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp, nông thôn và DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Đối với tín dụng trung và dài hạn, lãi suất giảm xuống mức 9-10%/năm. Bên cạnh đó, Agribank Đà Nẵng còn phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa tham gia bảo lãnh và tài trợ vốn dài hạn cho nhiều DN khác.

Bước vào năm 2015, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng tiếp tục có những chỉ đạo cho ngân hàng thương mại có thêm các cơ chế để hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Sacombank Đà Nẵng, cho biết: “Phát huy lợi thế có được từ “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, năm 2015, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh việc giới thiệu, cung cấp nguồn vốn giá rẻ ra thị trường nhằm phục vụ tốt cho các DN, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các DN nằm trong nhóm các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn của thành phố như du lịch, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thủy sản, thủ công mỹ nghệ...”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.