Kinh tế
Việt Nam sẽ có tàu cao tốc 200 km/h
Sau năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới với tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến 200 km/h.
Một ga tàu cao tốc tại Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng vừa phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, ngành giao thông sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên hiện đại hóa tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu 80km/h-90km/h với tàu khách và 50km/h-60km/h với tàu hàng.
Giai đoạn đầu, ngành sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1,435 m, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.
Ngành đường sắt sẽ khai thác toàn tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, nghiên cứu xây dựng mới các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ, Hải Phòng - Lạch Huyện và các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp.
Từ 2020 đến 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160km/h-200km/h, đường đôi khổ 1,435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai.
Thủ tướng cũng phê duyệt quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc - Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h; hoàn thành tuyến đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á...
Với chiến lược trên, ngành đường sắt được kỳ vọng sẽ đáp ứng tối thiểu 5%-8% thị phần vận tải hành khách và 5%-6% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng hơn 30% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Theo VnExpress