Kinh tế

Ngành dệt-may trước thị trường EU

07:34, 15/04/2015 (GMT+7)

Theo thông báo của Bộ Công thương, đến nay, 7 trong số 8 hiệp định kinh tế song phương mà Việt Nam đang đàm phán đã đến giai đoạn cuối, dự kiến có từ 3 - 5 hiệp định được ký kết trong năm 2015.

Lao động sản xuất ở Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ.
Lao động sản xuất ở Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ.

Thêm vào đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Trong đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu của ngành dệt-may đều nằm trong các nước tham gia hiệp định như: Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt-may Việt Nam, 47% giá trị hàng dệt-may xuất khẩu của Việt Nam là tới thị trường Mỹ, 16,2% thị trường EU, 12,5% Nhật Bản và 10,8% là thị trường Hàn Quốc, các thị trường khác không đáng kể. Đây cũng là tình hình chung của các cơ sở dệt-may ở Đà Nẵng, chẳng hạn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm trên 95% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP Dệt-may 29-3 và Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ. Trong đó, đặc biệt là thị trường EU có nhiều khả năng phát triển nhất, sẽ có tăng trưởng khá trong năm 2015 và các năm tới.

Điều này càng có lợi hơn cho ngành dệt-may của thành phố, vì các doanh nghiệp (DN) của thành phố, kể cả các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang làm hàng hoặc đã có nhiều kinh nghiệm làm hàng sang khu vực này. Cụ thể, hàng xuất khẩu của Công ty CP Dệt-may 29-3 trong những năm 90 của thế kỷ trước chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu và EU.

Nắm bắt cơ hội này, trong suốt thời gian các hiệp định được tiến hành đàm phán, các DN của thành phố đã đổi mới công nghệ, thiết bị và đẩy mạnh công tác tiếp thị, nhờ đó bước đầu đã có chỗ đứng trên các thị trường EU. Công ty CP Dệt-may 29-3 với các mặt hàng quần áo may mặc sẵn, veston đang có vị trí đáng kể tại thị trường Mỹ. Hiện công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 6-2015, một số đơn hàng có tới tháng 12-2015, nhất là mặt hàng veston có tăng trưởng khá.

Riêng nhà máy veston đã thu hút thêm 700 lao động mới trong năm 2014, mở ra nhiều triển vọng. Đặc biệt là khả năng mở rộng các mặt hàng truyền thống như khăn các loại sang thị trường EU. Lãnh đạo công ty cho biết, đây là cơ hội rất tốt để DN mở rộng quy mô sản xuất mặt hàng này trong những năm tới, dự kiến trong năm 2015 sẽ nâng mức tăng trưởng từ 15% trở lên so với năm 2014.

Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ phát huy hiệu quả đầu tư của những năm trước. Năm 2014, tổng công ty đạt doanh thu trên 2.600 tỷ đồng và 125 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 25% so với năm 2013.

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết: Năm 2015, Tổng công ty có bước đột phá quan trọng như hàng vạn cọc sợi và nhà máy sản xuất veston cùng nhiều dây chuyền may hiện đại khác sẽ vận hành hết công suất, sẽ phát huy hiệu quả. Năm 2015, DN sẽ sản xuất và xuất khẩu gần 15 triệu sản phẩm may mặc, khoảng 13.000 tấn sợi, giá trị kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 140 triệu USD và tổng doanh thu các loại khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số công ty FDI như Công ty Dacotex Đà Nẵng chuyên làm hàng cho Pháp sẽ có thuận lợi rất lớn để mở rộng sản xuất...; góp phần thúc đẩy ngành dệt-may Đà Nẵng tiếp cận mạnh mẽ hơn vào thị trường EU.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

.