Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 8 tháng triển chính sách phát triển thủy sản. Trước thông tin giá đóng tàu cao gấp đôi giá xây dựng ban đầu khiến ngư dân chùn bước, Phó Thủ tướng yêu cầu xác minh, thẩm định lại ngay.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 8 tháng thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. |
Giá đóng tàu vượt gấp đôi tính toán của Bộ Nông nghiệp
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) về việc triển khai chính sách phát triển thuỷ sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đến hết 23-4, các ngân hàng thương mại đã tiếp cận chủ của 709/779 tàu trong danh sách các địa phương phê duyệt để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã nhận được 159 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh thành.
Đến thời điểm này, các ngân hàng đã ký hợp đồng để đóng mới, nâng cấp 31 tàu (đóng mới 28, nâng cấp 3) với tổng số tiền 271 tỷ đồng. Dư nợ đến thời điểm này đạt gần 72 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã từ chối 2 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn do chủ tàu sử dụng máy cũ để nâng cấp (ở Bình Thuận) và không chứng minh được khả năng trả nợ (ở Quảng Ngãi). 126 tàu khác cũng chưa hoàn thiện được hồ sơ vay vốn. 550 tàu cá khác được phê duyệt, đã tiếp cận ngân hàng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ vay vốn do chủ tàu đang lựa chọn mẫu tàu, chờ phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu, chưa lựa chọn cơ sở đóng tàu, giá thành đóng tàu…
Thông tin từ các địa phương, một trong những khó khăn khi thực hiện Nghị định 67 là ngân hàng thương mại (NHTM) không cho vay đối với những tàu đã có công suất 400 CV trở lên để ngư dân nâng cấp, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác thủy sản. Các NHTM cho rằng muốn được cho vay để nâng cấp trang thiết bị cho tàu cá thì ngư dân phải thay mới máy (trong khi máy cũ vẫn sử dụng được).
Nguyên nhân mà ngư dân không được vay vốn nằm ở nội dung quy định: “Về nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu được vay vốn NHTM tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm”.
Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, qua 8 tháng triển khai chương trình, mới chỉ có 2 chủ tàu được duyệt vay tiền đóng mới phương tiện nhưng thực tế cũng chưa được cấp vốn. Một trong những điểm vướng là yêu cầu chứng minh tài sản thế chấp bổ sung (ngoài tài sản là chính con tàu đóng mới).
Ngoài ra, về giá, nhiều ngư dân phàn nàn việc định giá quá cao so với chi phí thực tế người dân tự bỏ tiền đóng tàu, không thông qua chương trình vay vốn có hỗ trợ, ưu đãi này.
Gật đầu với ý kiến này, đại diện UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã có 4 tàu được ký hợp đồng tín dụng, tốc độ triển khai như vậy là chậm vì điểm vướng thấy rõ nhất là giá dự kiến đóng tàu vỏ thép Bộ NN&PTNT đưa ra khoảng 10 tỷ đồng nhưng thực tế giá đóng tàu được báo lên tới 18-19 tỷ đồng. Ngư dân băn khoăn, các ngân hàng cũng lo khả năng thu hồi nợ vì với mức giá này, tính ra, mỗi năm một tàu phải trả 1,8-1,9 tỷ đồng, chưa tính tiền lãi. Đó là thách thức lớn với bất cứ chủ tàu nào.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý ngay thông tin này. Ông yêu cầu giao cơ quan tài chính và cơ quan thẩm định độc lập xác định lại giá đóng tàu. “Có việc vống giá lên để kiếm lợi trong đề án hỗ trợ ngư dân?” – ông Ninh đặt câu hỏi.
Tàu phải vững chắc đủ vươn khơi để bảo vệ chủ quyền
Góp ý tại từ đầu cầu Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh này thông tin, địa phương mới quyết định công nhận được 3 chủ tàu được vay vốn. Ngư dân Quảng Ngãi thì đề nghị được chấp nhận sử dụng máy tàu “hàng bãi” (chứng minh chất lượng bằng cơ quan thẩm tra, bằng số giờ chạy máy thể hiện trên đồng hồ). Lập luận đưa ra là hiện tại, đến 90% tàu của ngư dân đang chạy bằng máy cũ kiểu này. Giá máy tàu cũ chỉ bằng một nửa máy mới, máy mới hơn 2 tỷ đồng thì máy cũ chỉ khoảng 1 tỷ đồng, đỡ hơn cho chủ tàu về áp lực trả nợ.
Đề nghị cho ý kiến thêm về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu nguyên tắc, chương trình hỗ trợ đóng tàu khuyến khích việc đóng tàu lớn, tàu mới, phải vững chắc để vừa đảm bảo khả năng khai thác xa bờ để đáp ứng cả doanh thu và yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, vừa để giữ vững chủ quyền quốc gia. Vì vậy cần cân nhắc việc cho đóng tàu vỏ thép hay cả tàu vỏ gỗ, tàu mới hay tàu dùng máy cũ, tránh để biến Việt Nam thành bãi phế liệu.
Phủ nhận thông tin cho rằng các ngân hàng làm khó dễ người vay, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định chưa có chủ tàu nào có hồ sơ được duyệt mà không được vay ở mức tối đa. Cũng chưa trường hợp nào tài sản bảo đảm vay không phải là chính con tàu vì NHNN đã chỉ đạo, quán triệt sẽ xử lý nghiêm ngân hàng nào bất tuân quy định của Chính phủ trong chương trình quan trọng này.
Vấn đề lãi suất 7%, Phó Thống đốc cho biết, khi Bộ NN&PTNT xây dựng đề án, mức lãi suất cho vay như này là ưu đãi nhất tại thời điểm đó và cho đến giờ, đây cũng là chương trình được hưởng mức lãi suất ưu đãi nhất. Nếu thời gian gới, lãi suất cho vay tiếp tục giảm xuống, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh để hỗ trợ tối đa ngư dân.
Chỉ đạo việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng thời duyệt cả nội dung nhà nước hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ cho ngư dân, thay vì chỉ áp dụng với tàu vỏ sắt.
Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng đồng ý phương án ngư dân có thể trả vốn đối ứng (khi vay vốn đóng tàu) theo tiến độ, ngư dân không cần phải trả 1 lần mà có thể chia ra làm 3 hoặc 4 đợt cho tới khi hoàn thành đóng tàu. NHNN nghiên cứu phần vốn đối ứng cho ngư dân có thể vay thương mại. Về thời gian vay vốn đóng tàu, trước một kiến nghị kéo dài thời gian hơn 11 năm như quy định, Phó Thủ tướng cho biết là phù hợp và sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.
Liên quan tới việc sử dụng máy cũ để nâng cấp, đóng mới tàu cá, cho rằng đây là vấn đề khó, nhưng lại sát với thực tiễn và nhu cầu của ngư dân, Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ nội dung này, vì nó không chỉ liên quan tới máy tàu cá mà còn liên quan tới trang thiết bị ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhưng tinh thần là quản lý được thì vẫn cho phép ngư dân sử dụng máy cũ để đóng tàu hoặc nâng cấp máy tàu.
Theo Dân trí