Kinh tế
Bảo đảm điều kiện số hóa truyền dẫn phát sóng
* Hỗ trợ trên 7 tỷ đồng trang bị đầu thu kỹ thuật số
Đà Nẵng là địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chọn triển khai thí điểm “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất” và phải hoàn thành trước 6 tháng so với 4 thành phố trực thuộc Trung ương cùng nhóm triển khai đợt đầu (nhóm I).
Đối với các ti-vi mới có biểu tượng “con mắt” đã tích hợp đầu thu STB thì không cần thiết trang bị đầu thu mới. Ảnh: MINH TRÍ |
Theo đó, Đà Nẵng và khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam chấm dứt phát sóng tương tự mặt đất từ ngày 1-7-2015. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, TS. Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc thường trực Sở TT&TT cho biết:
Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng cùng với Hà Nội (cũ), thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ phải thực hiện chuyển đổi số hóa truyền hình hoàn thành trước ngày 31-12-2015. Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam chọn Đà Nẵng là địa phương thực hiện thí điểm và hoàn thành trước 6 tháng so với 4 thành phố còn lại (tức hoàn thành trước ngày 1-7-2015 để xem xét, rút kinh nghiệm thực hiện triển khai tiếp theo đối với các tỉnh, thành phố khác).
Đến nay, việc triển khai số hóa truyền hình tại Đà Nẵng đã cơ bản thực hiện đúng tiến độ đề ra. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau giúp người dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Nhà nước về số hóa truyền hình. Các đơn vị chức năng của thành phố và ngành liên quan đã khảo sát thực tế hiện trạng truyền dẫn phát sóng của VTC, AVG, VTV trên bán đảo Sơn Trà, làm việc với DRT thống nhất sắp xếp lại bộ máy tổ chức cho các bộ phận phát sóng cũ khi chuyển đổi sang phát số.
Tổ chức kiểm tra thực tế chất lượng vùng phủ sóng và đề nghị Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng – VTV thực hiện lắp trạm phát lại sóng truyền hình số mặt đất… Trung tâm này đang triển khai lắp đặt 2 trạm phát lại tại thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn và thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang, dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2015. Đến nay, hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn Đà Nẵng cơ bản được bảo đảm.
Lợi ích của việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số là xu thế chung của thế giới, đó là: hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số nhằm giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Bên cạnh đó, sẽ hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình, trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước, tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng.
* Thưa ông, khi chuyển đổi hạ tầng phát sóng truyền hình số thì người dân phải thay đổi thiết bị đầu cuối, cụ thể là mua ti-vi thế hệ mới có tích hợp đầu thu số hoặc mua sắm thêm đầu thu số. Vậy đối tượng nào được Nhà nước hỗ trợ trang bị đầu thu tín hiệu truyền hình số?
- Theo quy định của Nhà nước, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số (STB). Theo số liệu, đến cuối năm 2014, số hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương trên địa bàn Đà Nẵng đã hết, số hộ cận nghèo là 3.600 hộ. Còn theo tiêu chuẩn địa phương (tiêu chuẩn Đà Nẵng) số hộ nghèo là 6.946 hộ, số hộ cận nghèo 7.560 hộ và số hộ gia đình chính sách nghèo là 34 hộ.
Dự kiến mức hỗ trợ trang bị đầu thu với mức kinh phí 500.000 đồng/STB như hiện nay do Công ty Hùng Việt đấu thầu cung cấp thì tổng kinh phí hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng là 7,27 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 1,8 tỷ đồng, Đà Nẵng hỗ trợ 5,47 tỷ đồng.
* Thưa ông, người dân thành phố ngoài diện được Nhà nước hỗ trợ trang bị đầu thu thì liên hệ ở đâu để tự trang bị đầu thu để theo dõi các chương trình truyền hình?
- Đến nay, thị trường bán lẻ STB tại Đà Nẵng bắt đầu sôi động. STB được bày bán tại các cửa hàng điện máy trên các đường phố: Đào Duy Từ, Lý Thái Tổ, Trưng Nữ Vương..., các sản phẩm đa dạng từ chính hãng như: VTV broadcom, Hùng Việt và của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền như VTC, AVG... Giá bán các đầu thu dao động từ 380.000 đồng đến 900.000 đồng.
Cụ thể, đầu thu của VTV Broadcom có giá bán từ 700.000 đến 900.000 đồng, của Hùng Việt có giá bán từ 500.000 đến 600.000 đồng, các đầu thu có xuất xứ Trung Quốc có giá bán rẻ hơn từ 380.000 đến 420.000 đồng. Tuy nhiên, khách hàng cũng cân nhắc khi sử dụng các thiết bị đầu thu có xuất xứ từ Trung Quốc vì chưa hợp chuẩn, hợp quy. Đối với các sản phẩm ti-vi mới có dán biểu tượng “con mắt” là nhà sản xuất đã có tích hợp đầu thu STB nên không cần thiết đầu tư thêm đầu thu mới.
* Xin cảm ơn ông.
TRIỆU TÙNG thực hiện