Kinh tế

Đẩy mạnh tuyên truyền về số hóa phát sóng truyền hình

07:59, 22/05/2015 (GMT+7)

Thời gian các đài truyền hình chấm dứt phát sóng analog sang truyền dẫn phát sóng bằng kỹ thuật số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận Quảng Nam chỉ còn khoảng 40 ngày nữa (ngày 1-7-2015). Tuy nhiên, nhiều người dân ở khu vực ngoại thành Đà Nẵng vẫn nắm chưa rõ thông tin, chưa có sự chuẩn bị.

Tờ rơi tuyên truyền nhận diện ti-vi có tích hợp sẵn đầu thu số và điện thoại hỗ trợ giải đáp số hóa truyền hình của Sở TT-TT Đà Nẵng.
Tờ rơi tuyên truyền nhận diện ti-vi có tích hợp sẵn đầu thu số và điện thoại hỗ trợ giải đáp số hóa truyền hình của Sở TT-TT Đà Nẵng.

Triển khai “Đề án số hóa truyền hình” đang có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của người dân nên Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) đã xác định công tác tuyên truyền đi trước một bước. Theo đó, thành phố đã triển khai treo băng-rôn thông báo về “Đề án số hóa truyền hình” dọc các tuyến phố chính; thực hiện các đoạn video clip ngắn giới thiệu về truyền hình số, phát đều đặn trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng). Các nội dung tuyên truyền chính gồm: Lợi ích số hóa truyền hình đối với người xem; cảnh báo thời hạn chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất; số điện thoại hỗ trợ, giải đáp (callcenter)… DRT sản xuất đoạn phim ngắn với thời lượng 75 giây để quảng bá cho đề án và bắt đầu phát sóng từ ngày 15-10-2014 với tần suất 10 lần/ngày trên hai kênh DRT1 và DRT2 sau các bản tin thời sự. VTV Đà Nẵng cũng triển khai hai nội dung tuyên truyền nhằm giới thiệu về việc triển khai lộ trình số hóa mặt đất và Kênh giải đáp hỗ trợ thông tin số hóa tại Đà Nẵng. Các chương trình này có thời lượng từ 27 đến 36 giây và được phát tại các khung giờ 7 giờ và 9 giờ 55 hằng ngày.

Sở TT-TT cũng đã in, phát tờ rơi tuyên truyền về số hóa truyền hình đến các tổ dân phố, thôn trên địa bàn Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam; biên soạn nội dung và đề nghị xã, phường tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở về số hóa truyền hình.

UBND thành phố cũng đã cho phép Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng thuộc Sở TT-TT mở kênh giải đáp, hỗ trợ thông tin về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn thành phố với số điện thoại 1900 94 96 từ tháng 9-2014, nhằm làm phong phú nguồn tiếp cận, tìm hiểu thông tin cho người dân.

Tuy nhiên, tại một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, người dân vẫn còn tâm trạng lo lắng và chưa có sự chuẩn bị để bổ sung thiết bị đầu thu số. Anh Nguyễn Đăng Hùng, xã Hòa Nhơn nói: Gia đình có biết chủ trương chuyển đổi kỹ thuật phát sóng truyền hình nhưng cũng mơ hồ về thiết bị đầu thu, kỹ thuật lắp đặt, sử dụng thiết bị điều khiển. Những kiến thức qua nội dung tờ rơi chuyển xuống khu dân cư còn chung chung. Anh Hùng cho biết có dịp quan sát gia đình hàng xóm sử dụng thiết bị đầu thu kỹ thuật số, nhưng khi sử dụng rất rối rắm, bấm chuyển phím với nhiều thao tác nên người lớn tuổi rất khó sử dụng, nhanh quên, khó nhớ…

Cùng tâm trạng này, anh Đặng Sơn, ở xã Hòa Khương cho biết, khi nào các đài truyền hình dừng phát sóng mặt đất như hiện nay mới tính đến việc mua đầu thu kỹ thuật số. Như vậy, việc phản ứng chậm chạp trước sự thay đổi kỹ thuật truyền dẫn phát sóng làm cho một bộ phận người dân bị thiệt thòi khi có nhu cầu nắm bắt thông tin, giải trí từ các chương trình truyền hình; giảm hiệu quả các chương trình phát sóng quảng bá.

Thông tin chung về thay đổi kỹ thuật phát sóng truyền hình, người dân phải mua sắm thêm đầu thu số để xem nhiều kênh truyền hình thì nắm được. Tuy nhiên, những trường hợp nào thì sử dụng thêm antena, antena loại gì, trường hợp nào thì không cũng rất mơ hồ.

Một số hộ gia đình vùng nông thôn Hòa Vang đã mua sắm thiết bị đầu thu số nhưng cho biết chất lượng nhận tín hiệu truyền hình số chưa đồng đều, số lượng kênh sóng chương trình tăng nhưng chưa ổn định, mất sóng khi có thay đổi thời tiết mưa lớn, sấm sét… Việc sử dụng thiết bị đầu thu kỹ thuật số qua quá nhiều thao tác điều khiển nên nhà sản xuất phải cải tiến để người dân dễ sử dụng.

Những lo lắng của người dân cần được cơ quan quản lý, đơn vị chuyên trách kỹ thuật thu phát sóng truyền hình giải thích rõ đến người dân và tư vấn chi tiết về sản phẩm đầu thu, lắp đặt phù hợp với địa bàn khu dân cư ở đồng bằng, đồi núi, khu vực bị che khuất bởi nhà cao tầng…

Chú trọng tuyên truyền đến người dân

“Tuyên truyền về số hóa truyền hình phải đặt trọng tâm vào người dân, tuyên truyền một cách đơn giản, dễ hiểu, cung cấp các thông tin về việc mua tivi mới thì nên mua loại nào, còn đang dùng tivi đời cũ thì phải mua đầu thu số ở đâu, mua loại nào và lắp đặt ra sao. Ngoài ra, người dân cũng cần biết được nếu khi họ không xem được truyền hình thì phải vào trang tin điện tử nào để tìm hiểu hoặc gọi điện đến đâu để được trợ giúp”.

(Nguồn: Bộ TT-TT)

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.