Kinh tế

Sẵn sàng cho phát sóng truyền hình số

07:42, 13/05/2015 (GMT+7)

Còn gần 2 tháng nữa để các doanh nghiệp và các đài truyền hình (ĐTH) chuyển đổi số hóa truyền dẫn phát sóng.

Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng đang triển khai số hóa truyền dẫn phát sóng qua hạ tầng của VTV.
Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng đang triển khai số hóa truyền dẫn phát sóng qua hạ tầng của VTV.

Tuy nhiên, đến nay người dân ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng đã có thể xem tối đa 29 kênh truyền hình số phát sóng quảng bá thông qua ti-vi có tích hợp đầu thu DVB-T2 hoặc bộ giải mã tín hiệu (set-top box) DVB-T2.

Cụ thể, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát sóng các kênh từ VTV1 đến VTV6 tại 3 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Riêng tại Đà Nẵng có phát thêm kênh sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT).

Hiện hạ tầng phát sóng cung cấp 3 kênh chuẩn HD mà người dân có thể thu được trong giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình bao gồm VTV1 HD, VTV3 HD và VTV6 HD. Những kênh này đều được phát sóng miễn phí, chỉ cần người dân có ti-vi tích hợp sẵn DVB-T2 hoặc với ti-vi cũ thì bổ sung thêm set-top box DVB-T2. Tương tự, kênh truyền hình AVG cũng đang phát sóng VTV1, VTV2, VTC1, VTC16, H1, THP tại Hà Nội và Hải Phòng. Các kênh VTV1, VTV2, HTV9, DRT2 và truyền hình Cần Thơ phát sóng tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Đài Truyền hình VTC đang có sự chuyển đổi cơ quan chủ quản nhưng trước đây đã phát sóng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 với 29 kênh truyền hình quảng bá tại 47 tỉnh, thành. Do đó, tại nhiều địa phương, người dân có thể thu được tối đa 29 kênh.

VTC phát sóng và truyền dẫn truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn công nghệ DVB-T2 cùng mã hóa hình ảnh, âm thanh theo chuẩn MPEG4 tại Đà Nẵng và phủ sóng một số vùng lân cận như tỉnh Quảng Nam…

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, qua hỗ trợ của Bộ TT&TT và chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, sở đã triển khai khẩn trương và quyết liệt Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng nhằm bảo đảm thời gian, lộ trình thực hiện.

Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình Đà Nẵng đã phối hợp với DRT triển khai và hoàn thành nhiều nội dung, từ việc tổ chức sắp xếp bộ máy; ban hành kế hoạch tuyên truyền; hướng dẫn thực hiện các quy định về nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thiết bị thu, phát truyền hình số mặt đất; đến tiến hành khảo sát thực trạng các trạm phát sóng truyền hình mặt đất của 3 doanh nghiệp là: VTV, VTC, AVG trên đỉnh Sơn Trà... Hiện 3 trạm phát sóng của 3 doanh nghiệp và ĐTH tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và cả vùng phủ sóng.

Đà Nẵng chọn hạ tầng truyền dẫn của VTV để tiến hành triển khai số hóa truyền dẫn phát sóng mặt đất, cụ thể là VTV sẽ triển khai rà soát, bổ sung, nâng cấp, điều chỉnh hệ thống phát truyền hình sóng số mặt đất nhằm bảo đảm vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ cho toàn thành phố Đà Nẵng và cả khu vực bắc Quảng Nam. Theo đó, VTV đã đồng ý hỗ trợ DRT phát tín hiệu truyền hình số trên hạ tầng của VTV đặt trên bán đảo Sơn Trà.

Trung tâm Truyền dẫn phát sóng VTV đang gấp rút thi công lắp đặt thêm 2 trạm phát lại sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Đà Nẵng để phục vụ chương trình số hóa truyền hình. Các vị trí lắp đặt gồm: Tại thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang và tại trạm phát lại sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng hiện do Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang quản lý tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. Việc lắp đặt trạm phát lại sóng truyền hình số DVB-T2 nhằm nâng cao chất lượng sóng truyền hình số tại khu vực Đà Nẵng và bắc Quảng Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm cũng cho biết về kỹ thuật, số hóa truyền hình không chỉ nâng cao được chất lượng hình ảnh mà còn giải phóng được một tài nguyên vô tuyến rất lớn để sử dụng vào mục đích khác.

Về mặt kinh tế, số hóa truyền hình cũng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí khi việc phát sóng được chuyên môn hóa, các đài chỉ lo chương trình, việc phát sóng giao cho các đơn vị truyền dẫn – phát sóng. Nhờ vậy rất thuận lợi trong việc xã hội hóa khâu truyền dẫn – phát sóng, giảm đáng kể gánh nặng ngân sách Nhà nước. Tại Đà Nẵng, khi triển khai số hóa truyền hình cũng tính đến việc sắp xếp nguồn nhân lực, lao động của DRT.

Sau khi Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt đề án số hóa truyền hình, Thường trực Ban chỉ đạo số hóa truyền hình cùng lãnh đạo DRT thống nhất biện pháp chuyển đổi hoạt động của Tổ Phát sóng kỹ thuật, DRT chỉ giữ lại 1/2 cán bộ, công nhân viên trực phát sóng đài FM; 1/2 cán bộ - công nhân viên còn lại sẽ được chuyển về trụ sở DRT để bố trí công tác khác.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.