Kinh tế
Ứng dụng công nghệ mới sửa chữa đường dây 500kV
Việc rút ngắn thời gian sửa chữa, duy tu trên đường dây điện cao thế 500kV nói riêng cũng như các đường dây cao áp khác có ý nghĩa rất quan trọng cả về kinh tế và ý nghĩa xã hội đối với ngành điện; vì mỗi giờ đường dây 500kV phải ngừng cấp điện để sửa chữa, hoặc bị sự cố là hàng triệu kWh điện bị thất thoát, thiệt hại cho ngành điện hàng tỷ đồng và nền kinh tế còn bị thiệt hại không thể tính được.
Chuẩn bị lồng Faraday đưa công nhân lên dây. Ảnh: Quang Thắng |
Nhận thức được tầm quan trọng như vậy, sau khi đường dây điện 500kV Bắc-Nam đưa vào khai thác vào tháng 5-1994, Công ty Truyền tải điện 2 (TTĐ2) đã xây dựng kế hoạch đào tạo một đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật để đảm đương nhiệm vụ này.
Năm 1998, được sự đồng ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TTĐ2 đã thành lập đội sửa chữa nóng gồm 16 kỹ sư, công nhân và đưa đi đào tạo tiếp thu công nghệ sửa chữa điện nóng cấp điện áp 500kV ở Ukraine. Trên cơ sở những kiến thức, công nghệ được đào tạo, đội sửa chữa nóng và lãnh đạo TTĐ2 đã tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và đã xây dựng được quy trình sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện.
Sau nhiều lần thử nghiệm, bổ sung và hoàn thiện quy trình, đến năm 2001, việc sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện (gọi tắt là sửa chữa nóng) được triển khai. Công nghệ này được hiểu một cách đơn giản là tạo ra hiện tượng đẳng thế (sự cân bằng về điện thế giữa người và dây dẫn đang mang điện), giúp cho công nhân khi thao tác (chạm vào dây dẫn) để thay sứ, hoặc sửa chữa đường dây khi đường dây vẫn mang điện và đang thực hiện công việc truyền tải điện.
Từ đó đến nay, đã có hàng chục lần TTĐ2 tiến hành thay sứ và sửa chữa đường dây đang mang điện một cách an toàn, tiết kiệm cho ngành hàng tỷ đồng (mỗi lần cắt điện đường dây 500kV để sửa chữa sẽ phải ngừng cung cấp hàng triệu KWh điện gây lãng phí ước tính hàng tỷ đồng). Lần gần đây nhất là ngày 26-4, tại vị trí 1.687 đường dây 500kV Bắc-Nam cung đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), TTĐ2 đã tiến hành thay sứ cách điện thành công trong điều kiện đường dây 500kV đang mang điện.
Việc sửa chữa trên đường dây 500kV đang mang điện là một công việc hết sức nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường (khoảng cách an toàn tối thiểu là 4m), nếu không bảo đảm sẽ dẫn đến hiện tượng phóng điện, gây nguy hiểm cho người và thiết bị.
Thiết bị đi kèm là một chiếc lồng Faraday dùng để ngăn điện trường phát ra từ dây dẫn đang mang điện - rất mạnh và nguy hiểm và bộ quần áo, thiết bị bảo vệ khác của công nhân. Chỉ riêng bộ quần áo bảo hộ đã có giá tới vài chục ngàn USD, hiện nước ta chưa sản xuất được.
Với thành công này, TTĐ2 là đơn vị duy nhất của EVN được giao nhiệm vụ đảm nhận công tác sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện trên phạm vi cả nước, đồng thời khẳng định bước tiến quan trọng của TTĐ2 trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sửa chữa đường dây nóng.
Vấn đề đặt ra cho ngành điện hiện nay là đội sửa chữa đường dây nóng được đào tạo đợt đầu tiên đã cao tuổi, nhiều người đã hết tuổi để thực hiện các thao tác trên cao, đội ngũ bổ sung chưa có. Vì vậy, TTĐ2 cũng như EVN cần phải có kế hoạch để đầu tư mới thiết bị và đào tạo bổ sung nhân lực, nhằm phổ cập việc sửa chữa nóng trên toàn tuyến của đường dây 500kV cũng như các đường dây cao thế khác (dưới 500kV), góp phần hạn chế việc cắt điện để sửa chữa đường dây như hiện nay.
Đức Thịnh