Kinh tế

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI):

Hành động để đạt đẳng cấp

07:44, 05/06/2015 (GMT+7)

Ngày 4-6, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh-PCI” dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ phát biểu tại hội thảo.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ phát biểu tại hội thảo.

Cùng dự có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế…

Thách thức và tầm nhìn mới

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá: Đà Nẵng chưa phải là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển, nhưng qua điều hành cơ chế, chính sách đã tạo được sự hài lòng đối với nhà đầu tư về môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn bởi kết quả đánh giá về PCI. Đây là kết quả tự hào và xứng đáng dành cho Đà Nẵng với những nỗ lực trong thực hiện PCI.

Việc tổ chức hội thảo là để thực sự muốn lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp (DN), cơ quan chức năng địa phương để tìm ra những nguyên nhân, hạn chế và hướng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chỉ số thành phần làm cơ sở nâng cao năng lực bộ máy chính quyền; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương trình bày báo cáo đánh giá “Hành trình 10 năm PCI của Đà Nẵng” khái quát quá trình 10 năm qua, trong đó có 5 năm Đà Nẵng giữ vị trí quán quân. Báo cáo cũng nêu rõ những bài học kinh nghiệm và những giải pháp nhằm giữ vững ngôi đầu trong những năm đến.  

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định thành tích về PCI của Đà Nẵng là xứng đáng và Đà Nẵng đang đạt được những giá trị mới mà PCI mang lại. Đánh giá kết quả PCI năm 2014, thành phố đang tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Đà Nẵng đứng thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đối với doanh nghiệp FDI về điểm đến đầu tư mới.

Tuy nhiên, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm về thực hiện PCI khi trong 10 chỉ số thành phần PCI, Đà Nẵng thường dẫn đầu chỉ một chỉ số thành phần; kiến nghị hay phản ánh của DN gửi đến các hiệp hội ngành nghề để phản ánh đến chính quyền còn ít; 40% DN lo lắng về việc thu hồi đất; DN tiếp cận đất đai vẫn còn trở ngại, nhất là thủ tục hành chính về đất đai.

Đặc biệt, chi phí không chính thức của DN tăng; nhiều lĩnh vực dịch vụ công vẫn còn phiền hà; hoạt động thanh kiểm tra còn nhiều. Nguồn lao động còn một số hạn chế do chưa thu hút nhiều nguồn lao động ngoài tỉnh, chưa hướng đào tạo theo nhu cầu của DN…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Điểu, cho rằng việc tiếp cận đất đai của DN cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên hiện nay có một số nhà đầu tư, trong đó chủ yếu đầu tư bất động sản đang có dấu hiệu đầu cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai, hiệu quả sử dụng đất… Do đó, chính quyền thành phố phải thu hồi đất đối với những dự án chậm triển khai. Đối với các DN nhỏ và vừa, thành phố cam kết có đủ diện tích, đủ đất để DN tiếp cận, đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khen thưởng các tập thể có thành tích trong cải thiện PCI của thành phố những năm qua. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khen thưởng các tập thể có thành tích trong cải thiện PCI của thành phố những năm qua. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Hành động để làm nên đẳng cấp

Mặc dù Đà Nẵng nhiều năm chiếm vị trí cao và 5 năm liền dẫn đầu cả nước về PCI, nhưng Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ vẫn khẳng định đây mới là “phong độ”, chưa thể hiện “đẳng cấp” cần có. Điều này thể hiện ở một số chỉ số thành phần PCI trồi sụt qua các năm; điểm trung bình các chỉ số thành phần giảm so với các năm trước và chưa tạo khoảng cách với nhóm các tỉnh, thành phố có vị trí thứ hạng PCI cao.

Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhưng “đất lành mà chim chưa đậu”, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao, chưa có nhiều DN lớn, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư; chưa tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị khu vực và toàn cầu…

Những địa phương khác đang đứng rất gần với thành tích của Đà Nẵng về điểm số PCI, nên nếu Đà Nẵng không bứt phá, tăng tốc thì có nguy cơ tụt hạng, và đây phải xác định là cuộc thi đua không có điểm dừng. Cộng đồng DN, doanh nhân đánh giá cao năng lực điều hành của chính quyền thành phố thì chính quyền phải biết hành động quyết liệt hơn nữa trong hỗ trợ DN.

Thách thức mà Đà Nẵng đang phải đối mặt là đứng đầu cả nước về PCI nhưng DN vẫn còn gặp khó khi tiếp cận đất đai, có dấu hiệu DN phải phát sinh chi phí không chính thức gia tăng, còn chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra ở DN; chất lượng nguồn lao động giảm sút; DN tiếp cận vay vốn chưa được thuận lợi và mục tiêu cuối cùng là kết quả sản xuất, kinh doanh của DN còn thấp.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ đạo 6 nhóm giải pháp để tiếp tục triển khai PCI hiệu quả. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình hoạt động “Năm Doanh nghiệp” trên cơ sở thực hiện đề án phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020; bởi đòn bẩy để gia tăng kết quả đánh giá các chỉ số thành phần là các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN.

Hai là, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật trong điều kiện của thành phố. Tập trung quan tâm về công tác cán bộ thông qua việc phát huy vai trò của người đứng đầu, cùng với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức điều hành quản lý Nhà nước qua các cơ chế chính sách để cho DN thực sự được hưởng lợi, được phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

UBND thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính ở các đơn vị, lĩnh vực cụ thể như phòng chuyên môn trực thuộc Văn phòng UBND thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường, Cục Thuế thành phố và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.

Các nhiệm vụ khác cần quan tâm thực hiện là duy trì định kỳ hoạt động tiếp xúc DN, đối thoại DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; vừa quan tâm đến DN FDI, DN có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn nhưng cũng chú trọng đến các DN vừa và nhỏ. Một số chỉ số thành phần PCI cần nhanh chóng cải thiện tính hiệu quả trong thực hiện như “Tiếp cận đất đai”, “Thiết chế pháp lý” và “Cạnh tranh bình đẳng”.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Tăng cường đối thoại công-tư

“Thành phố cần đổi mới và công khai minh bạch thông tin, lắng nghe tiếng nói phản biện của nhân dân, DN và các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp. Thành phố cũng tăng cường đối thoại công-tư, tạo điều kiện cho DN, doanh nhân nói lên tiếng nói của mình, tiếp cận được các chính sách hỗ trợ và hưởng được môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi”.

Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng: Nâng cao dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

“Thành phố cần thay đổi phương thức tiếp cận DN; chủ động hỗ trợ pháp lý cho DN từ các dịch vụ công bởi dịch vụ pháp lý tư chưa đáp ứng yêu cầu của DN và đổi mới hỗ trợ DN tiếp cận thông tin vì còn nhiều DN chưa có điều kiện sử dụng hiệu quả các công cụ truyền thông hiện đại. Hằng năm, ngoài chương trình hành động chung trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội thành phố, lãnh đạo thành phố cũng cần có thông điệp riêng gửi đến cộng đồng DN, doanh nhân chuyển tải định hướng cơ bản trong điều hành phát triển kinh tế”.

Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital: Nâng cao chỉ số tiếp cận thông tin

“Đà Nẵng được DN và truyền thông quốc tế quan tâm. Thành phố cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, chú trọng truyền thông để nâng cao chỉ số “Tiếp cận thông tin” đến với DN và phát huy giá trị PCI bởi đây là chuỗi giá trị so sánh lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển”.

TRIỆU TÙNG

.