Kinh tế

Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới

07:38, 15/07/2015 (GMT+7)

Việc triển khai các hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang đóng vai trò quan trọng, phục vụ có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Nông dân xã Hòa Sơn đang chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.
Nông dân xã Hòa Sơn đang chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.

Điểm sáng từ Hòa Sơn

Là tuyến giao thông huyết mạch trong vùng với lưu lượng người và phương tiện lớn, nhưng đường liên thôn Đại La - Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) vẫn chưa được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng khiến việc tham gia giao thông vào ban đêm khó khăn.

Từ đầu năm 2014, Sở KH&CN Đà Nẵng (đơn vị được UBND thành phố giao hỗ trợ UBND xã Hòa Sơn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) phối hợp với địa phương lắp đặt 12 bộ đèn led công nghệ nano công suất 33W-220V. Đèn công nghệ này không những giúp tiết kiệm năng lượng, không độc hại môi trường mà còn tạo cảnh quan đẹp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngoài hệ thống đèn led, Sở KH&CN còn hỗ trợ xã Hòa Sơn xây dựng và lắp đặt mô hình hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, thu hồi khí sinh học. Trước khi được lắp đặt hầm biogas, các hộ chăn nuôi chưa có phương án để xử lý chất thải chăn nuôi nên vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Hơn nữa, để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, các hộ dân thường sử dụng củi, gas công nghiệp nên chi phí cao trong lúc thu nhập của các hộ gia đình nông thôn còn thấp.

Vì vậy, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng cùng UBND xã Hòa Sơn tiến hành lắp đặt và hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi cách ủ phân cho hầm biogas. Các hầm biogas đều sinh khí ổn định sau 15 ngày vào phân, bảo đảm nhu cầu đun nấu của các hộ gia đình. Cách làm này đem đến cho các hộ dân hai cái lợi: vừa tiết kiệm được chi phí nhiên liệu vừa thu gom, xử lý được chất thải chăn nuôi, không còn gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, các mô hình trồng nấm, trồng thanh long ruột đỏ… mà Sở KH&CN hỗ trợ tại xã Hòa Sơn cũng đang cho hiệu quả kinh tế. Ông Phạm Đình Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí của Sở KH&CN, các mô hình tiết kiệm năng lượng và công nghệ sinh học đã giúp đổi thay cuộc sống người dân Hòa Sơn. Bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập, các vấn đề về môi trường cơ bản được giải quyết, an ninh trật tự bảo đảm…

Đổi thay Hòa Vang

Theo lãnh đạo Sở KH&CN, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài xã Hòa Sơn, sở còn lắp đặt, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cung cấp nước nóng cho 11 trạm y tế và 11 trường mầm non của 11 xã trên địa bàn huyện và Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (cơ sở 3)…, qua đó, giúp đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Hòa Vang dần ổn định.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết: Các mô hình hỗ trợ từ Sở KH&CN thành phố đã góp phần giúp huyện Hòa Vang “thay da đổi thịt”, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây, với sự thay đổi rõ nét của cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, các mô hình chuyên canh về chăn nuôi, trồng trọt đã tạo việc làm và thu nhập cho bà con. Với việc ứng dụng thành công khoa học-kỹ thuật, nông dân Hòa Vang đã từng bước khẳng định họ có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất họ đã gắn bó bao đời nay.

Có thể nói, hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và chăn nuôi, trồng trọt đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tạo ra sản phẩm mới góp phần cải thiện đời sống cho nông dân huyện Hòa Vang. Sở KH&CN đang triển khai các giải pháp để tiến hành nhân rộng các mô hình hiệu quả trên ở Hòa Vang và một số vùng ven thành phố nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới của huyện Hòa Vang.

Bài và ảnh: Đan Tâm

.