Kinh tế

Khẳng định vị thế du lịch Đà Nẵng

07:33, 09/07/2015 (GMT+7)

Du lịch Đà Nẵng đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Ngành du lịch Đà Nẵng đang từng bước vươn lên, hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Đà Nẵng chủ động tạo các sự kiện để thực sự thu hút và hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia Cuộc thi chèo thuyền Kayak vượt sóng Mỹ Khê lần thứ 2.
Đà Nẵng chủ động tạo các sự kiện để thực sự thu hút và hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia Cuộc thi chèo thuyền Kayak vượt sóng Mỹ Khê lần thứ 2.

Kết quả của sự đồng thuận

Những năm qua, được sự quan tâm của thành phố, các sở, ban, ngành cùng sự chủ động nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành du lịch và sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng nhân dân, hoạt động du lịch của thành phố đã có những bước tăng trưởng khá tốt và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Việc Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là địa phương có sự bứt phá về phát triển du lịch trong cả nước, cùng với các trang mạng uy tín, tạp chí nổi tiếng thế giới, các tổ chức du lịch quốc tế bình chọn, đánh giá cao đã góp phần quảng bá điểm đến Đà Nẵng đến với thế giới, định vị hình ảnh rõ nét hơn về điểm đến Đà Nẵng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, khẳng định thương hiệu của du lịch thành phố đến các thị trường quốc tế.

Ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho rằng, sự gắn kết giữa môi trường, văn hóa và du lịch đã đem lại lợi ích cho người dân, một điểm đến bền vững phải có yếu tố của cộng đồng, văn minh của điểm đến.

“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch để xúc tiến quảng bá cho điểm đến Đà Nẵng. Trung bình mỗi năm, Sở Ngoại vụ thành phố đón từ 80 - 100 đoàn báo chí quốc tế, đặc biệt là Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… đến tìm hiểu, đưa tin về du lịch Đà Nẵng. Chúng tôi tổ chức những “góc Đà Nẵng” tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, Văn phòng đại diện tại Nhật Bản suốt 10 năm đã quảng bá ở tất cả các thành phố lớn của Nhật Bản. Hiện giờ không chỉ ở Nhật Bản mà cả Hàn Quốc những người trẻ tuổi biết rất nhiều về Đà Nẵng”, ông Lương Minh Sâm cho hay.

Ở khía cạnh hiệp hội, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng có sự tiến bộ vượt bậc. Hiện Đà Nẵng có 198 đơn vị kinh doanh lữ hành, 478 khách sạn với 17.671 phòng (trong đó có 28 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao với 5.117 phòng) đạt yêu cầu cho các sự kiện quốc tế lớn. Đây là bước tiến ngoạn mục về cơ sở vật chất, nhưng trên hết đó là lãnh đạo thành phố cùng các doanh nghiệp, người dân thành phố đã nỗ lực cho một thành phố du lịch, đã nỗ lực vì một điểm đến hấp dẫn.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho rằng, lãnh đạo thành phố, ngành du lịch Đà Nẵng cùng doanh nghiệp đã sát cánh để thực hiện những nhiệm vụ cả về quản lý Nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh. Đà Nẵng đã chủ động xúc tiến và tạo điều kiện khai thác đường bay đến Đà Nẵng, đầu tư cho các sản phẩm du lịch độc đáo, chủ động tạo các sự kiện quốc tế, đã nghiên cứu các nhu cầu của khách để đưa ra những gói sản phẩm phù hợp, làm tốt công tác quảng bá…

Thành phố của những sự kiện

Dưới góc nhìn của những nhà doanh nghiệp, ông Huỳnh Tấn Vinh nhận thấy Đà Nẵng đang ngày càng đa dạng và trở thành điểm đến của du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE)…, những sự kiện quốc tế thường xuyên diễn ra đã thu hút du khách khắp nơi hướng về Đà Nẵng.

Những sự kiện như Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng (tháng 8-2015), Lễ hội Việt-Nhật với 50 đoàn từ Nhật Bản tham dự (tháng 8-2015), Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (tháng 6-2016) dự kiến thu hút 5.000-7.000 vận động viên nước ngoài tham dự, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 hay sự kiện quan trọng nhất tại Đà Nẵng sẽ diễn ra trong năm 2017 là Tuần lễ cấp cao APEC với sự tham dự của khoảng 15.000 quan khách và khoảng 6.000 nhà báo quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp này và lưu trú tại Đà Nẵng ít nhất 10-15 ngày… sẽ là những sự kiện quan trọng để cả thế giới biết về Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng đây là những cơ hội vàng không chỉ dành cho ngành du lịch mà cho cả các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chiến lược… phấn đấu để phát triển hơn nữa ngành du lịch trong tương lai. Ông Lương Minh Sâm đánh giá: “Những sự kiện tầm cỡ quốc tế này sẽ đem lại cho Đà Nẵng, đặc biệt là du lịch Đà Nẵng có thêm sức bật để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

Để ngành du lịch ngày càng phát triển bền vững và thực sự hấp dẫn, thu hút du khách quay trở lại, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho rằng, cần đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phát triển chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp. Xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện với những sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có sức cạnh tranh cao; đồng thời bảo đảm môi trường du lịch thuận lợi, an ninh, an toàn. Có như vậy điểm đến mới bền vững và từng bước khẳng định vị thế của du lịch Đà Nẵng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách (giai đoạn 2011-2015) hằng năm đạt 20,14%, từ 2.375.023 lượt khách năm 2011 tăng lên 3.818.683 lượt khách năm 2014 (tăng 1,6 lần). Tổng thu du lịch đạt tốc độ tăng trưởng 30,65%, từ 2.405 tỷ đồng năm 2011 tăng lên 9.480 tỷ đồng năm 2014 (tăng 4,1 lần). Dự kiến năm 2015 đón 4.430.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 11.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30,67%/năm.

Bài và ảnh: Thu Hà

.