Đó là vấn đề được bàn thảo tại Hội nghị về “Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới”; tại giao ban hiệp hội và doanh nghiệp khu vực miền Trung, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng 25-8. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết dự và phát biểu chào mừng.
Theo các chuyên gia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cố gắng hoàn thành mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, Việt Nam cũng đang nỗ lực tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế khác. Những động thái này sẽ đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội mới để mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần có biện pháp chuẩn bị trước tác động của môi trường kinh doanh toàn cầu mới để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế thông qua các công nghệ trực tuyến như thương mại điện tử.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, doanh thu từ các giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng tại Việt Nam đạt khoảng 2,97 tỷ USD vào năm 2014. Thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các DNNVV nhờ khả năng cho phép bán hàng 24/7, giảm thiểu chi phí tiếp thị và giao dịch cùng với khả năng mở rộng thị trường ra nước ngoài… Chính vì vậy, DNNVV cần đầu tư xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến để có thể cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mới.
Duyên Anh