Kinh tế
Doanh nghiệp với các hiệp định kinh tế: Đến đâu hay đó
Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là năm 2015 khép lại, đây là thời điểm các hiệp định kinh tế song phương giữa Việt Nam và các nước đối tác sẽ được ký kết hoặc có hiệu lực thi hành.
Dây chuyền sản xuất veston mới của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa thọ. |
Đó là Việt Nam với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã ký kết ngày 29-5-2015; Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế châu Âu (EU) với Việt Nam và trong tương lai gần là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các hiệp định này đem lại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Cơ hội lớn nhất là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng với khoảng hơn 2 tỷ người trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, khoảng trên 90% các dòng thuế suất trở về 0% là cơ hội rất tốt để các DN mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, để được hưởng các lợi thế này, các DN của thành phố phải đối đầu với thử thách cực kỳ lớn, đó là sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của các nước đối tác với chất lượng tốt, giá thành rẻ ngay ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong khi đó, công nghệ và thiết bị sản xuất của các DN trong nước khá lạc hậu, làm cho giá thành cao.
Thêm vào đó, công tác quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều yếu kém. Nguy cơ các DN của chúng ta thua ngay trên thị trường nội địa rất cao, nhất là các lĩnh vực hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, dược phẩm…
Các DN của Việt Nam muốn tồn tại và phát triển thì con đường duy nhất là phải hội nhập. Thế nhưng, đến giờ phút này khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các đối tác sắp có hiệu lực, hoặc đang vào giai đoạn cuối của đàm phán để tiến tới ký kết thì các DN Việt Nam, trong đó có các DN của thành phố Đà Nẵng vẫn rất thờ ơ với các hiệp định.
Trong hơn 2 năm gần đây, UBND thành phố, Sở Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đã tổ chức hàng chục buổi tọa đàm, hướng dẫn nhằm giúp DN tìm hiểu về các điều khoản của các hiệp định để hỗ trợ DN, nhưng chỉ có khoảng 60% DN, các cá nhân đến dự. Ngay cả những người đến dự cũng chỉ dự chưa tới nửa thời gian của buổi hội thảo, thậm chí có người đến chỉ nhận tài liệu rồi về. Đặc biệt, không ít DN cử nhân viên đi dự vì nể ban tổ chức, còn việc khi về nhân viên có truyền đạt lại, hoặc việc tiếp thu của lãnh đạo DN thế nào không thể biết được.
Tại hội nghị tổng kết của một ngành, chúng tôi làm cuộc thăm dò dư luận trong phạm vi nhỏ giữa các đại biểu đến dự, kết quả thật đáng buồn là có tới gần 90% lãnh đạo các DN được hỏi đều trả lời là không quan tâm đến các hiệp định. Lý do là DN nhỏ, thiếu vốn, thiếu cả ý tưởng nên hoạt động tùy vào tình hình thị trường, đến đâu hay đó.
Không ít các DN có giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 5 triệu USD đến khoảng 20 triệu USD cảm thấy hài lòng với thực tại, không muốn thay đổi thị trường vì tốn kém, không có kế hoạch hội nhập rõ ràng. Vì thế, nhiều DN hầu như không có kế hoạch gì chuẩn bị cho việc các hiệp định sắp có hiệu lực, hoặc sắp được ký kết. Chưa nói, một số DN chỉ đến tham dự các buổi hội thảo nói trên với mục đích xem thành phố có hỗ trợ gì đối với DN khi các hiệp định có hiệu lực mà thôi (!).
Tại Hội thảo “Các DN phải làm thế nào khi TPP được ký kết và có hiệu lực” do Bộ Công thương và Sở Công thương thành phố tổ chức, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn Việt Nam tham gia đàm phán TPP cho biết: “Không ai, kể cả Chính phủ, hay Bộ Công thương… có thể chỉ cho DN nào đó phải làm thế nào để phát triển khi hội nhập. Làm như thế nào để tồn tại và phát triển do chính DN đó quyết định.
Còn Chính phủ, Bộ Công thương và UBND các địa phương chỉ có thể hỗ trợ DN bằng việc sớm ban hành các chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, đúng pháp luật Việt Nam, bằng cải cách thủ tục hành chính… và đặc biệt là giúp các DN hiểu được phong tục, tập quán, văn hóa, luật pháp quốc tế và luật pháp của các nước đối tác, trong đó đặc biệt là các quy định, điều khoản, các chế tài của hiệp định nhằm giúp DN tự thích nghi và có các quyết sách phù hợp”.
Dù muốn hay không thì các DN vẫn phải hội nhập để tồn tại và phát triển khi các hiệp định có hiệu lực thi hành. Vì vậy, muộn còn hơn không, các DN nên có kế hoạch chuẩn bị để thích nghi với việc hội nhập như tìm hiểu các điều khoản của các hiệp định, có kế hoạch đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thế cạnh tranh, ít ra là không thua trên sân nhà, để tồn tại và phát triển.
Bài và ảnh: Đức Thịnh