Kinh tế
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được xem là tài sản cốt lõi, đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình và phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều DN trên địa bàn thành phố đã chú trọng đến công tác xây dựng VHDN nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đối tác và khách hàng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Nhân viên Co.opMart Đà Nẵng hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. |
Mỗi doanh nghiệp một cách làm
Ông Nguyễn Quang Trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Danapha cho biết: “Để DN trở thành nơi tập hợp và làm gia tăng nhiều lần giá trị của từng nguồn lực con người đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển bền vững của DN, đòi hỏi DN phải xây dựng và duy trì một nét văn hóa đặc thù, phát huy được năng lực và thúc đẩy sự đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt được mục tiêu chung của tổ chức”.
Xác định tầm quan trọng của VHDN, những năm qua, Danapha triển khai thực hiện VHDN đến toàn thể người lao động. Cùng với việc xây dựng VHDN ở bên ngoài như trang phục, môi trường làm việc, khen thưởng…, Danapha triển khai các chương trình về VHDN với những giá trị cốt lõi như chất lượng, sự tôn trọng, tính chuyên nghiệp, tinh thần tập thể và chú trọng khách hàng. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành mục tiêu hành động của cả DN.
“Danapha tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, trao đổi với các khách mời là chuyên gia đầu ngành để chia sẻ các giá trị của DN, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong DN”, ông Trị nói.
Đối với những DN kinh doanh thì VHDN có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh DN trong mắt khách hàng, gắn kết khách hàng lâu dài với DN. Xác định VHDN là “chiếc cầu nối” giúp gây dựng lòng tin của người tiêu dùng với DN, nhiều năm qua, Co.opMart Đà Nẵng liên tục tổ chức những lớp tập huấn, đào tạo để chia sẻ cho nhân viên toàn hệ thống thông qua hình thức trao đổi, thảo luận, hình thành nhận thức về những giá trị cốt lõi cũng như hướng đến tầm nhìn và sứ mệnh của DN.
“Qua những lớp tập huấn này, nhân viên của Co.opMart sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin trong môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp cũng như học cách giao tiếp với khách hàng ngày càng thân thiện, gần gũi và xử lý các tình huống dễ dàng hơn”, Phó Giám đốc Co.opMart Đà Nẵng Lê Thị Hiền chia sẻ.
Là DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Công ty Lữ hành Vietnam TravelMart cũng đã chú trọng xây dựng VHDN theo chiều sâu, tạo ra môi trường làm việc văn minh, thân thiện, cởi mở để nâng cao hiệu suất công việc. Ngoài việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, Vietnam TravelMart còn thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết nhân viên như tổ chức sinh nhật, tổ chức sự kiện nội bộ nhân các ngày lễ, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí...
“Không phải điều kiện làm việc hay mức lương, mà chính VHDN sẽ quyết định việc nhân viên có gắn bó dài lâu với DN hay không”, bà Uyên Na, Phó phòng Truyền thông, Vietnam TravelMart cho hay. Ngoài ra, Vietnam TravelMart còn hướng đến các hoạt động thiện nguyện như tặng quà Tết cho bà con nghèo ở miền núi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… để hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực cho toàn bộ nhân viên trong công ty.
Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, VHDN chính là giá trị cốt lõi và là tài sản vô hình giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Đối với Co.opMart Đà Nẵng, để cạnh tranh được trong môi trường bán buôn, bán lẻ sôi động như hiện nay thì việc xây dựng VHDN là điều tất yếu. Thông qua hình ảnh VHDN sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của DN, giúp người tiêu dùng ưu ái đến với DN nhiều hơn.
“Khi sức ép cạnh tranh ngày càng quyết liệt thì Co.opMart lựa chọn giải pháp tối ưu là định hình và củng cố VHDN để khẳng định thương hiệu, đưa hình ảnh DN đến gần hơn với người tiêu dùng”, bà Hiền nói.
Nhiều DN cho rằng, xây dựng VHDN là một khoản đầu tư, vì vậy mỗi DN cần một thời gian rất dài để xây dựng, định hình và củng cố văn hóa của đơn vị mình. Mỗi DN cần xây dựng văn hóa theo cách riêng phù hợp với điều kiện và khả năng tài chính của đơn vị để làm sao cho VHDN là “đòn bẩy” giúp DN phát triển. Với Vietnam TravelMart, tuy phải mất chi phí để xây dựng VHDN nhưng đơn vị vẫn quyết định đầu tư lâu dài nhằm nâng cao thương hiệu của DN.
“Xây dựng VHDN là chìa khóa để gắn kết nhân viên lại với nhau giúp nâng cao chuỗi giá trị cho DN. Vì vậy, Vietnam TravelMart luôn có ý thức xây dựng VHDN để khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường du lịch cả trong nước lẫn quốc tế”, chị Uyên Na nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN