Kinh tế

Lúng túng trước hàng giả

07:31, 18/09/2015 (GMT+7)

Với thủ đoạn làm ăn gian dối tinh vi, không chỉ người tiêu dùng bị đánh lừa khi mua sản phẩm, mà ngay cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian xác minh, xử lý hàng giả, hàng nhái.

Rượu giả, thực phẩm giả bị phát hiện trên thị trường Đà Nẵng.        						Ảnh: DUYÊN ANH
Rượu giả, thực phẩm giả bị phát hiện trên thị trường Đà Nẵng. Ảnh: DUYÊN ANH

Mắt thường khó nhận diện

Dù đã tìm hiểu nhiều trên mạng Internet, nhưng chị Lâm Thị Trang (giáo viên dạy mầm non tại quận Liên Chiểu) vẫn bị mua nhầm hàng giả. Qua phản ánh, sản phẩm chị mua là hộp kem đánh răng PS Trà Xanh có in giá trên bao bì hẳn hoi. Về cảm quan không có gì nghi ngờ đây là hàng giả, nhưng khi mở ra dùng chị thấy hơi khác vì những lần trước bột kem mịn, không rít, còn tuýp kem này cho ra bọt lợn cợn khó chịu.

Ban đầu chị nghĩ chắc công ty ra sản phẩm mới, vì trên vỏ hộp còn có chữ “cải tiến” nên chất lượng như vậy. Tuy nhiên, sau hai ngày đánh răng, nướu răng chị bị sưng lên khó chịu. Đem chuyện này trao đổi với bộ phận chăm sóc khách hàng của PS, chị tá hỏa biết rằng mình đã mua phải hàng dỏm 100%. Tất nhiên sản phẩm chị mua tại chợ vỉa hè công nhân thì không thể đổ lỗi cho nhà sản xuất chính hãng!

Đáng lo ngại, những sản phẩm hàng giả, hàng nhái hiện nay đã tuồn ra các chợ, cửa hàng mà đa số người tiêu dùng không biết. Ngay cả tiểu thương, những người buôn bán lâu năm cũng khó phân biệt được đâu thật, đâu giả. Chị Nguyễn Thị Mỹ (kinh doanh ngành hàng khô tại chợ Mới) nói: “Có lần tui bị khách hàng đem trả gói bột giặt OMO trọng lượng 1 kilogam nghi là giả vì khi giặt không tạo được bọt như OMO chính hãng. Khi hai bên đối chứng thì các chữ trên bao bì đều giống nhau y đúc, không sai tới một chi tiết nào. Kể cả dấu hiệu đảm bảo hàng chính hãng có chữ R móc tròn cũng như nhau. Tới nước này tui chỉ còn cách thương lượng với khách hàng muốn đổi bao nào thì đổi chứ người bán cũng chịu vì có mở ra dùng đâu mà biết”.

Mới đây, cùng chứng kiến việc tiêu hủy hàng giả, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho hay: Đối với các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như hóa mỹ phẩm, thực phẩm, người dân phải thật tinh mắt mới phân biệt thật - giả. Những loại hàng hóa này về hình thức mới nhìn qua có vẻ giống nhau đến 99%, nhưng khi đối chiếu thật kỹ sẽ thấy có sự khác biệt. Cho dù các đối tượng có làm nhái giống đến cỡ nào thì cũng lòi ra một số chi tiết sơ hở mà khách hàng cần lưu ý.

Có một vài đặc điểm để nhận dạng, ví dụ như sản phẩm bột giặt OMO thật không có các đường răng cưa nhọn trên mép bao bì, không có hướng dẫn xé tại đây; hay hạn sử dụng trên bao bì hạt nêm, bột ngọt giả mạo thường lem nhem, chữ in không sắc nét; dầu gội đầu, kem đánh răng về màu sắc bao bì có thể giống nhưng họa tiết thường thêm nét... Tuy vậy, đó là những mặt hàng có giá trị không lớn, còn những sản phẩm đắt tiền khó phân biệt, phải nhờ đến nhà sản xuất phân tích mẫu mới xác định được. Cái khó là cơ quan QLTT không có đủ kinh nghiệm cũng như máy móc, trang thiết bị soi chiếu hiện đại.

Đại diện các thương hiệu nổi tiếng trao đổi với lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng về nhận diện sản phẩm thật - giả.
Đại diện các thương hiệu nổi tiếng trao đổi với lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng về nhận diện sản phẩm thật - giả.

Chặn hàng giả bằng mọi biện pháp

Là doanh nghiệp sản xuất luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hương Quế rất bức xúc: “Doanh nghiệp mất nhiều thời gian dày công xây dựng sản phẩm chất lượng, nhưng mới ra ngày hôm trước, hôm sau trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm nhái y hệt. Thời gian qua, chúng tôi đã bỏ công sức theo dõi nhiều vụ các đối tượng làm hàng nhái, sau khi mua về cắt ra mới biết thay vì bột hương quế thì người ta dùng mùn cưa làm nguyên liệu sản xuất. Nếu nhà sản xuất sợ ảnh hưởng mà không lên tiếng thì khách hàng khó phân biệt được, phải chịu thiệt hại, ngay cả nhà sản xuất chân chính cũng khó tồn tại. Song, chỉ một mình doanh nghiệp “tay không bắt giặc” thì rất khó, chúng tôi mong cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong xử lý hàng gian, hàng giả”.

Đối với các thương hiệu toàn cầu, bản thân các doanh nghiệp rất cầu thị trong việc dành thời gian để các chuyên gia tập huấn cho lực lượng QLTT. Tuy nhiên, ông Tony Swaffield, Giám đốc Công ty New Era Cap Co.,Inc (đại diện nhãn hiệu New Era) cho biết: “Không ai tinh tường hàng giả, hàng nhái bằng nhà sản xuất, nhưng cách phân biệt hàng thật – giả chỉ đúng trong một thời điểm nhất định. Bởi sau đó, các đối tượng luôn luôn thay đổi để thích ứng với cái mới nên cần tiến hành cập nhật thường xuyên các thông tin mới hạn chế được vấn nạn này”.  

Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, vừa qua, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Công ty CP Vnet đã ký kết văn bản hợp tác. Theo đó, các bên sẽ phối hợp đưa vào triển khai hệ thống ứng dụng “Hệ thống xác thực điện tử Vtrue thông qua tem được dán vào sản phẩm”. Người tiêu dùng có thể tra cứu được nguồn gốc sản phẩm khi đối chiếu qua các địa chỉ như: Tổng đài tin nhắn 8137, tổng đài Callcentre 19006609 và Zalo; website: http://xacthucchinhphu.vn.

Hệ thống trên sẽ giúp người tiêu dùng có thể tự nhận biết sản phẩm nào là thật thông qua dãy số in trên tem dán theo sản phẩm, gồm 10 ký tự bằng số và mỗi mã số được gắn cho một sản phẩm duy nhất của một doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó. Các cơ quan quản lý cũng qua đó mà xác nhận được sản phẩm do đơn vị nào sản xuất hay nhập khẩu, từ đó có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý vi phạm.

9 tháng đầu năm 2015, lực lượng QLTT Đà Nẵng đã xử lý 5.386 vụ vi phạm với tổng số tiền thu trên 15 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn mác chiếm số lượng lớn 3.547 vụ, vi phạm nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ 122 vụ, kinh doanh hàng cấm gồm thuốc lá điếu 30 vụ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ 80 vụ…

Bài và ảnh: Duyên Anh

.