Kinh tế

Bất cập đào tạo nghề lao động nông thôn

Bài cuối: Cần hướng đi mới

07:49, 09/10/2015 (GMT+7)

Đào tạo nghề lao động nông thôn phải gắn với đặc thù chuyển hóa nhanh của đô thị với những kế hoạch phát triển ngắn hạn, dài hạn về phát triển sản xuất kinh doanh, phân công phân nhiệm cụ thể... để mang lại hiệu quả thật sự và bền vững.

Nghề đan lát ở Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đang dần mai một.
Nghề đan lát ở Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đang dần mai một.

Khảo sát thị trường, dự báo phát triển

Từ năm 2012 đến nay, Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức rà soát, thăm dò nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, lao động trong diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất nhưng chưa được đào tạo nghề, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nhằm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho khu vực nông thôn hằng năm. Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều lao động được đào tạo những ngành nghề khó tìm được việc làm ổn định, có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu như: may dân dụng, điện dân dụng, cơ khí… Ở nông thôn, nhiều nghề chỉ duy trì được thời gian đầu, sau đó thua lỗ vì giá cả đầu vào tăng, thị trường bấp bênh.

Ông Nguyễn Tấn Yến, nông dân thôn Nam Thành, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho rằng: “Chúng tôi đầu tư phát triển sản xuất dựa trên định hướng của chính quyền, ngành chức năng như nông nghiệp, công nghiệp, lao động…

Nhưng việc phát triển luôn mang tính tự phát, hễ có lãi là đua nhau làm; nông, thủy sản làm ra nhiều quá sao tiêu thụ được; thế là lại đua nhau hạ giá, phá giá. Cuối cùng, phần thiệt luôn thuộc về nông dân”. Theo ông Yến, người nông dân cần nhất không chỉ là vốn, kỹ thuật, máy móc mà là bảo đảm thị trường ổn định, hài hòa vì khi bảo đảm “đầu ra” thì người học mới áp dụng được nghề đã học và phát triển kinh tế gia đình.

Phát triển những ngành nghề phi nông nghiệp là đặc thù riêng của Đà Nẵng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, lực lượng lao động trẻ là chủ yếu. Vì vậy, theo nhiều cán bộ trong ngành lao động, việc đào tạo nghề nên gắn với nhu cầu thực tế của đô thị du lịch - dịch vụ - công nghiệp. Việc đào tạo cũng nên liên kết với chính các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để tuyển sinh, đào tạo đúng địa chỉ, đúng nhu cầu để vừa giảm chi phí cho người lao động, giảm ngân sách Nhà nước, vừa giúp người lao động sớm tìm được việc làm ổn định.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho rằng: “Lâu nay, doanh nghiệp vẫn thực hiện việc tự tuyển dụng và đào tạo công nhân theo tiêu chuẩn của mình. Nếu các trung tâm đào tạo có thể liên kết, tổ chức đào tạo theo đúng yêu cầu, có sự giám sát, kiểm tra chất lượng đào tạo của doanh nghiệp thì giảm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp một khoản không nhỏ”.

Phát triển nghề gắn với đô thị du lịch

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở các địa bàn lân cận Đà Nẵng như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã bắt đầu hình thành một số nghề nông nhưng gắn với phát triển du lịch. Ở Huế là các nhà vườn, trồng hoa, cây cảnh, các làng nghề thủ công truyền thống như đúc đồng Phường Đúc, gạch ngói Thanh Toàn, đồ sành, gỗ… Ở Quảng Nam là nghề mộc mỹ nghệ Kim Bồng, rau Trà Quế, hoa cây cảnh Tân Hà, Cẩm Châu, gốm Thanh Hà…, vừa tạo thu nhập ổn định, vừa kết hợp đón khách tham quan.

Trước đây, Đà Nẵng từng có những làng hoa nổi tiếng như: Phước Mỹ, Hòa Cường, chiếu Cẩm Nê, bánh tráng Túy Loan, nước mắm Nam Ô, khô mè, đan lát Cẩm Lệ… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều làng nghề đang mai một dần bởi giá thành sản phẩm thấp, không có đầu ra. Nếu thành phố chủ trương phát triển kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ, thì việc khôi phục, phát huy các làng nghề truyền thống để đón khách, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho nông dân hẳn không phải là quá khó khăn.

Tại hội thảo về phát triển du lịch của Đà Nẵng tổ chức hồi cuối năm 2014, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn, lâu nay, không chỉ riêng Đà Nẵng mà hầu hết các đô thị lớn đã bỏ quên việc khôi phục làng nghề để phát triển du lịch - dịch vụ, trong khi đây chính là một sản phẩm rất hấp dẫn để giới thiệu, thu hút khách quốc tế.

PGS,TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “Nếu Đà Nẵng khôi phục được làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, thì ngành du lịch mới đủ sức phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho Đà Nẵng”.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, hiện nay, công tác đào tạo nghề cho khu vực nông thôn chủ yếu dựa trên nhu cầu học nghề của người lao động, mà chưa gắn được với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của thành phố. Phương thức đào tạo dựa trên chỉ tiêu phân bổ, dựa trên nhu cầu người lao động, sẽ chủ yếu chỉ là nhưng nghề giản đơn, phổ thông, và thường thu nhập không cao, không ổn định.

Vì vậy, chính quyền thành phố và các quận, huyện cần định hướng rõ kế hoạch phát triển từng năm, từng giai đoạn, giao nhiệm vụ đào tạo nguồn lao động vừa có chất lượng, vừa đáp ứng yêu cầu thị trường theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển. Cần có những khuyến cáo, thậm chí là biện pháp hành chính trong việc phát triển ngành nghề ở khu vực nông thôn. Tránh tình trạng để nông dân tự phát, a dua trong sản xuất như hiện nay. Từ đó dẫn đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vất vả chạy theo, tốn kém thời gian, công sức mà hiệu quả không cao.

Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phân công cho nhiều cơ sở, nhiều ngành, hội, đoàn thể... Sự phân chia ấy một mặt giải quyết được bài toán đào tạo- việc làm trước mắt cho người lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đào tạo nghề theo kiểu giao chỉ tiêu, phân chia miếng bánh ngân sách mỗi ngành, hội, đoàn thể một ít, sẽ dẫn đến manh mún, hiệu quả thấp. Chỉ khi công tác đào tạo nghề được chuẩn hóa, sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sát với thực tế ở từng địa bàn nông thôn cụ thể thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhà nước cũng cần điều chỉnh kế hoạch đào tạo theo hướng giảm dần hệ thống trường đại học, cao đẳng thiên về lý thuyết, nghiên cứu; tăng dần hệ thống trường dạy nghề, trường thực hành, từng bước giải quyết thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở nước ta. Có như vậy, lao động ở khu vực nông thôn mới có điều kiện ly nông, trở thành công nhân, thành lao động đô thị, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bài và ảnh: P.TRÀ - T.THANH

.