Kinh tế

Thu hồi các dự án "treo" giữa trung tâm thành phố - chuyện không dễ

15:19, 25/10/2015 (GMT+7)

Các dự án “treo” với hàng rào tôn kín mít, lấn chiếm đường bộ, công viên của dân, gây nước đọng, rác thải ô nhiễm… trong nhiều năm trời, nhất là dự án tại khu vực trung tâm thành phố, vẫn là nỗi bức xúc được người dân liên tục phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri những năm gần đây. Nhưng để giải quyết vấn đề này không phải chuyện dễ dàng.

Dự án Golden Square - Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp do Công ty Cổ phần địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư cũng đã dừng thi công từ tháng 12/2014 đến nay
Dự án Golden Square - Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp do Công ty Cổ phần địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư cũng đã dừng thi công từ tháng 12/2014 đến nay

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan bàn việc giải quyết các vướng mắc xung quanh các dự án này.

Bức xúc từ các dự án chậm triển khai

Dự án Trung tâm Thương mại, khách sạn và căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian (gọi tắt là dự án Viễn Đông) do Công ty Cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam được giao 11.170m2 đất tại khu ực 84 Hùng Vương từ tháng 5/2008, dự kiến được khởi công và đi vào sử dụng vào quý II năm 2011. Thế nhưng hơn 6 năm trôi qua, dự án vẫn gần như dậm chân tại chỗ với chỉ một số cọc thí nghiệm, hệ thống cống nắn dòng cùng các thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật công trình.

Cùng với dự án Viễn Đông, dự án công viên bãi đỗ xe ngầm Viễn Đông (ban đầu là cùng dự án nhưng sau tách ra khỏi dự án Viễn Đông) cũng chỉ mới triển khai được hạng mục hàng rào bao quanh và di dời một số cây xanh rồi sau đó dừng triển khai. Tương tự như trên, nhưng được đầu tư nhiều hơn là Dự án Golden Square - Khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp do Công ty Cổ phần địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư cũng đã dừng thi công từ tháng 12/2014 đến nay sau khi đã triển khai thi công được tường vây, móng, 2 tầng ngầm và sàn lầu 2 khối đế.

Dự án Đà Nẵng Center của công ty CP địa ốc Vũ Châu Long với diện tích 7.878m2 tại khu đất vàng số 8 Phan Chu Trinh lẽ ra phải hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2011 (sau 3 năm thi công) và bắt đầu giai đoạn 2 vào năm 2009 thì nay cũng “đắp chiếu” nằm chờ sau khi mới thi công được phần móng.

Một số dự án khác như dự án Halla Jade Residence (của Cty TNHH phát tiển Kreves Halla Engineerings Construction Corp) tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, dự án Khu đô thị Capital Square đường Ngô Quyền tuy không nằm khu trung tâm nhưng cũng chiếm lĩnh những vị trí đất rất đắc địa. Các dự án này hoặc không triển khai gì hoặc mới triển khai một phần hạng mục nhỏ.

Cần bổ sung các yếu tố pháp lý để quản lý chặt chẽ

Rõ ràng các dự án trên đây đều đã vi phạm các quy định và cam kết về triển khai thi công dự án theo nội dung ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, gây những bức xúc trong xã hội. Thu hồi dự án, rút giấy phép đầu tư, chuyển dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn… đó là đòi hỏi của đa số người khi nói về các dự án treo này. Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản.

Các dự án nêu trên đây được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các năm 2008- 2009. Đây là giai đoạn mà cuộc khủng hoảng tài chính - địa ốc thế giới mới bắt đầu tại Mỹ và chưa lan rộng ảnh hưởng. Các nhà đầu tư vẫn đang “hăm hở” triển khai nhiều dự án địa ốc với dự kiến sinh lời khá cao. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, cơn lốc khủng hoảng đã nhanh chóng tràn đến Việt Nam dẫn đến hàng loạt các dự án phá sản và Đà Nẵng cũng không ngoại lệ.

Với mong muốn chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư trong điều kiện khủng hoảng, thành phố cũng đã gia hạn việc triển khai cho một số dự án và yêu cầu các nhà đầu tư triển khai theo đúng cam kết. Dự án Viễn Đông cam kết thực hiện và hoàn thành giai đoạn 1 vào 31-12-2015; Dự án Golden Square cam kết xong giai đoạn 1 vào quý II/ 2015; dự án Vũ Châu Long không cam kết nhưng mong muốn thành phố giãn tiến độ thực hiện.

Đến nay việc triển khai các dự án vẫn ì ạch như đã nói ở trên, ngoài một số nguyên nhân khách quan như điều chỉnh dự án theo yêu cầu quốc phòng, thì nguyên nhân chính vẫn là việc huy động vốn đầu tư khó khăn do gặp phải khủng hoảng tài chính.

Nhưng muốn thu hồi dự án thì không phải dễ dàng vì theo quy định của pháp luật, cụ thể tại điểm i khoản 1 điều 64 Luật Đất đai 2013 đã quy định:  “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Như vậy, để bảo đảm tuân thủ đúng quy định, phải xác định rõ ràng với nhà đầu tư về thời hạn làm mốc cho việc xử lý về sau, rồi phải cho gia hạn theo đúng quy định là 24 tháng; lập các thủ tục để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ; và trường hợp cuối cùng, nếu thu hồi lại thì cũng phải tính toán giá trị sử dụng đất, giá trị khối lượng công trình đã đầu tư, các khoản thu khấu trừ… để xác định thanh toán lại cho nhà đầu tư. Đây vừa là bảo đảm các yếu tố pháp lý, quản lý tài sản của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là sự quan tâm, thiện chí chia sẻ khó khăn đối với nhà đầu tư, bảo đảm quyền lợi của họ.

Trả lại diện tích công cộng cho dân

Tại cuộc họp bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các nhà đầu tư, yêu cầu cam kết thực hiện các dự án, nhưng phải có sự phân kỳ đầu tư chi tiết từng hạng mục công trình trong từng giai đoạn cụ thể. Nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc chậm tiến độ của hạng mục trước thì cũng coi như chậm luôn cả hạng mục sau.

Đối với một số dự án như công viên, bãi đỗ xe ngầm Meridian, hiện chỉ mới triển khai thực hiện một phần nhỏ, nay yêu cầu thu hồi lại, giao trả mặt bằng công viên công cộng cho dân. Tương tự như dự án Khu đô thị Capital Square đường Ngô Quyền, đã được tách ra thành các dự án nhỏ hơn, hiện đã xây dựng Khu chung cư cao cấp Azura và Siêu thị Vincom, phần còn lại chưa triển khai thì yêu cầu trả lại mặt bằng cho thành phố phục vụ lợi ích công cộng. Dự án Halla Jade Residence tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm đến nay chưa triển khai cũng cần xem xét, xử lý với hình thức tương tự.

Có thể nói, việc xử lý như vậy của chính quyền cũng là có tình có lý với mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai các dự án, qua đó đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, nếu cứ để kéo dài sẽ gây nên bức xúc trong dân và có thể ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác. Vì vậy, việc trả lại phần diện tích công cộng cho người dân cũng cần được thực hiện ngay để đảm bảo mỹ quan, môi trường đô thị và lớn hơn đó là niềm tin của người dân thành phố. 

Theo Cổng TTĐTT TP Đà Nẵng

.