Kinh tế

ĐẠI HỘI BIỂN ĐÔNG Á LẦN THỨ 5

Thách thức của các thành phố trong tương lai

07:30, 20/11/2015 (GMT+7)

Ngày 19-11, Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 diễn ra hội thảo với chủ đề “Thành phố tương lai”. Đà Nẵng tiếp tục đại diện nước chủ nhà Việt Nam đưa ra những sáng kiến để xây dựng một thành phố bền vững về môi trường, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm bên lề hội thảo.
Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm bên lề hội thảo.

Áp lực từ các thành phố phát triển

TS. Won Tae Shin (PEMSEA) cho biết, theo tính toán của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030 có 70% dân số sẽ sinh sống tại các thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố trên toàn cầu đang mọc lên ngày càng nhanh chóng, trong 7,2 tỷ người trên toàn cầu, hơn một nửa đang sinh sống ở thành phố, con số này được cho là sẽ lên 6 tỷ người vào năm 2050, hầu hết ở châu Á và châu Phi.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, các thành phố hiện nay đóng góp khoảng 3/4 các hoạt động kinh tế toàn thế giới, chiếm giá trị hơn 50.000 tỷ USD. Và chính cư dân của các thành phố này phải chịu trách nhiệm cho ít nhất một nửa ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, thông qua các nhu cầu về sưởi ấm, làm mát, thực phẩm, chiếu sáng, giải trí và giao thông.

Các đại biểu cho rằng, để giải quyết các vấn đề cấp bách trên, các thành phố trên toàn thế giới đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ để đương đầu với biến đổi khí hậu. Điển hình là Hiệp ước các thị trưởng được tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại thành phố New York (Mỹ) kêu gọi các thành phố cùng nhau thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng có báo cáo minh bạch, thường xuyên về hoạt động của mình.

Thông qua hiệp ước, một số mạng lưới thành phố hàng đầu thế giới - nhóm thành phố tiên phong về khí hậu C40; các chính quyền thành phố đoàn kết (UCLG) - cùng với 25 tổ chức, bao gồm Viện nguồn lực thế giới (WRI), đang huy động các thành phố thuộc mạng lưới của mình mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa các cam kết để giải quyết biến đổi khí hậu.

Hành động của Đà Nẵng về môi trường

Với vị trí tiếp giáp Biển Đông, dân số đông, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Thành phố Đà Nẵng lại nằm ở trung độ của Việt Nam, vì vậy các vấn đề về thiên tai và các tai biến môi trường trong những năm qua luôn là vấn đề đáng quan tâm, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội và an sinh xã hội. Không chỉ vậy, trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vùng bờ biển của thành phố cũng trở nên rất nhạy cảm với sự xói mòn ngày càng tăng gây ra hiện tượng mực nước biển dâng cao.

Để giải quyết các hiện tượng trên, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho biết trong những năm qua, thành phố đã luôn nỗ lực hết mình vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế song song với giải quyết các thách thức nội tại, hướng tới sự phát triển hợp lý và cân bằng giữa 3 yếu tố là tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong đó, các vấn đề bảo vệ môi trường được thành phố xác định là mục tiêu chiến lược song song với đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó với các rủi ro thiên tai. Chính vì thế, vào năm 2008, Đà Nẵng đã xây dựng và nghiêm túc thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”.

“Đề án chú trọng giải quyết an toàn các vấn đề môi trường cấp bách của thành phố, như tình trạng ngập úng, thu gom và xử lý triệt để các loại chất thải, hướng đến mục tiêu bảo đảm các yêu cầu về chất lượng môi trường, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân; đồng thời thực hiện khai thác và bảo vệ sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có và nâng cao ý thức người dân về công tác bảo vệ môi trường”, ông Điểu cho biết.

Đặc biệt, năm 2014, Đà Nẵng trở thành thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockerfeller (Hoa Kỳ) khởi xướng. Đà Nẵng nằm trong nhóm những thành phố đầu tiên được hưởng lợi từ các công cụ và nguồn lực tăng cường khả năng chống chịu.

Đà Nẵng đã tập trung xử lý các điểm nóng môi trường; chủ động xã hội hóa trong khai thác và bảo vệ môi trường; công tác chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch cũng rất được quan tâm như cho phép lưu hành xe điện 4 bánh thân thiện với môi trường phục vụ du lịch; triển khai các mô hình năng lượng mặt trời, mô hình biogas tận thu khí sinh học phát điện tại nông thôn...

Ngày 19-11, trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 diễn ra phiên thứ 3 Diễn đàn Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) và Hội thảo thông điệp Việt Nam với chủ đề: “Các thực hành tốt và rào cản trong triển khai ICM tại Việt Nam và hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển các biển Đông Á - Lợi ích của chúng ta”.

Đánh giá tại phiên thảo luận, các đại biểu cho biết khoảng 80-90% lượng nước thải ở khu vực các biển Đông Á đang bị thải ra các sông hồ và bờ biển mà không qua xử lý. Để ngăn chặn sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và ô nhiễm môi trường biển, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và môi trường cần được áp dụng không chỉ ở một quốc gia mà ở tất cả các quốc gia có chung đường biển và đại dương.

Vì vậy, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong vùng biển Đông Á, các quốc gia cần hợp tác trong bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại vùng biển Đông Á.

* Cùng ngày, Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 đã diễn ra phiên họp với chủ đề “Vạch ra tương lai quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) tại Việt Nam: Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện Chiến lược ICM Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030”.

Tại phiên họp, TS. Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết, từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật trong ICM, xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối đa ngành. Trong đó, năm 2016, dự kiến xây dựng và ban hành Cơ chế hướng dẫn ICM cho các địa phương ven biển về mặt kỹ thuật để các địa phương tham khảo triển khai.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.