Kinh tế

Hàng lưu niệm du lịch thời hội nhập

07:18, 23/11/2015 (GMT+7)

Việc hàng loạt các hiệp định được ký kết trong năm 2015 và các năm sắp tới là cơ hội để các sản phẩm lưu niệm du lịch (LNDL) đến được tay du khách trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp và nhà quản lý cùng nhau đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh để sớm đưa sản phẩm LNDL vươn ra thị trường.

Mô hình nút giao thông ngã ba Huế (sản phẩm của Công ty Nin Trần).
Mô hình nút giao thông ngã ba Huế (sản phẩm của Công ty Nin Trần).

Trong số các sản phẩm hàng hóa tham gia hội nhập thì các mặt hàng LNDL là mặt hàng thuận lợi nhất, không phải chi phí vận chuyển ra nước ngoài và tất nhiên cũng không phải qua bất cứ thủ tục hải quan nào… mà được bán ngay trong nước, thậm chí ngay tại nơi sản xuất. Thêm vào đó, hàng LNDL với đặc thù là hàng thủ công mỹ nghệ - mặt hàng truyền thống của gia đình, của địa phương – nên hầu như không bị cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Chính điều này là sự “bảo hộ” tốt nhất cho chính các sản phẩm, cho DN, nên không chịu bất cứ sự điều tiết nào mà tự do phát triển với ưu thế tuyệt đối trên “sân nhà”. Sản phẩm LNDL có tồn tại phát triển được hay không chỉ với một điều kiện duy nhất là được người tiêu dùng chấp nhận.

Theo số liệu từ ngành Du lịch, đến năm 2015, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 4,43 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 20,14%/năm, tăng gấp 2,65 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Đây là lợi thế rất lớn để các sản phẩm LNDL đến với du khách, góp phần quyết định sự phát triển của các cơ sở sản xuất mặt hàng này. Vấn đề còn lại là sản phẩm đó có hợp thị hiếu, hấp dẫn du khách hay không, đặc biệt là tính đặc trưng của sản phẩm. Nói cách khác là việc tiêu thụ sản phẩm hàng LNDL phụ thuộc chính vào cơ sở sản xuất, vào tay nghề của các nghệ nhân.

Tranh làm bằng vật liệu đồng của Công ty TNHH Cơ khí tự động hóa Dameco.
Tranh làm bằng vật liệu đồng của Công ty TNHH Cơ khí tự động hóa Dameco.

Trong những năm gần đây, thành phố đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm LNDL. Nhờ đó, hàng loạt sản phẩm đã được trình làng, nhiều sản phẩm bước đầu được du khách chấp nhận. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa phong phú về mẫu mã, thiếu nét độc đáo riêng, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên sức thu hút du khách còn yếu.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất phần lớn là nhỏ lẻ, hoạt động mang tính tự phát, thiếu lao động có tay nghề cao, năng suất thấp nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Đặc biệt là tư duy sản xuất quá cũ, nhiều chủ cơ sở chỉ sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm sẵn có, không có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm thị trường cần.

Hiện nay, mẫu mã sản phẩm do các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sản xuất chủ yếu là các mẫu mã truyền thống và theo đơn đặt hàng của khách hàng (98%). Tuy nhiên, những mẫu mã của các đơn đặt hàng thường lặp lại và rất ít những đơn đặt hàng có sản phẩm thiết kế riêng. Một số sản phẩm thủ công khác như dệt chiếu, gốm thủ công phục vụ nhu cầu đời sống người dân (như lu, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh...) chủ yếu do cơ sở tự thiết kế.

Ngoài ra, hầu như các cơ sở không tính đến việc thiết kế, sản xuất những bao bì, trong lúc bao bì là một thành tố rất quan trọng của sản phẩm LNDL. Một trong những hạn chế làm cho các mặt hàng này không đến được với du khách là do việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất “thủ công”, chủ yếu “tự sản, tự tiêu”, không có chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Thời gian để Việt Nam hội nhập theo lộ trình các hiệp định vừa được ký kết đã rất gần. Cơ hội để các sản phẩm LNDL tham gia hội nhập cũng đã đến gần. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các nhà quản lý, các sở, ngành liên quan phải có những giải pháp phù hợp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với cơ sở sản xuất để tạo ra chuỗi kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, các doanh nghiệp và nhà quản lý cùng nhau đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh để sớm đưa sản phẩm LNDL vươn ra thị trường.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

.