Kinh tế

"Khát" nhân lực giỏi về công nghệ thông tin

07:34, 05/11/2015 (GMT+7)

Thời điểm Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cận kề, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao sẽ mở ra cơ hội cho hàng ngàn lao động địa phương được làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài.

Dù thị trường lao động Đà Nẵng mỗi năm bổ sung hàng ngàn sinh viên CNTT nhưng các doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực giỏi.
Dù thị trường lao động Đà Nẵng mỗi năm bổ sung hàng ngàn sinh viên CNTT nhưng các doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực giỏi.

Phải ra nước ngoài thuê người

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, bình quân hằng năm, thị trường việc làm tại địa phương được bổ sung gần 5.000 sinh viên chuyên ngành CNTT mới ra trường. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) phần mềm trên địa bàn vẫn luôn trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực giỏi, nhất là 2 ngành kiểm thử phần mềm và lập trình viên. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng (Fsoft Đà Nẵng) cho biết: “Mỗi năm, các DN phần mềm Đà Nẵng chỉ tuyển dụng được khoảng 1.000 sinh viên CNTT, trong khi nhu cầu thực tế là rất lớn. Nhiều sinh viên CNTT tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN vì thiếu kiến thức nền, khả năng ngoại ngữ kém.

Đây là bài toán khiến nhiều DN đang phải đau đầu, phải bỏ lỡ nhiều dự án lớn của nước ngoài. Tôi nghĩ, Đà Nẵng xác định mục tiêu đưa CNTT trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đưa ngành công nghiệp phần mềm trở thành ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhưng với tình trạng thiếu nhân lực như hiện nay, các DN địa phương khó mà cạnh tranh với các DN nước ngoài”.

Nếu năm 2011, Fsoft Đà Nẵng có 400 người thì năm 2014 đã lên con số 1.400 người. Trong năm 2015, Fsoft Đà Nẵng tuyển mới khoảng 700 người, hướng đến mục tiêu 10.000 người và doanh thu khoảng 170 triệu USD vào năm 2020. Theo ông Phương, việc tìm kiếm các dự án xuất khẩu phần mềm từ các công ty lớn trong và ngoài nước không còn là mối lo của Fsoft Đà Nẵng. Điều quan trọng là phải gấp rút có chiến dịch tuyển đủ “quân số” nhằm triển khai các dự án đã ký kết.

Thống kê của trang kết nối nhà tuyển dụng và người lao động VietnamWorks cho thấy, ngành CNTT đứng đầu bảng trong 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2015. Thế nhưng, nhiều DN CNTT ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung phải sang các nước Singapore, Myanmar, Philippines… để tuyển nhân sự. Các chuyên gia phần mềm cho rằng, sở dĩ các DN địa phương phải thuê lao động nước ngoài vì hiện nay kinh nghiệm về quản trị DN, kỹ năng mềm, kiến thức nền… của nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế.

“Hiện ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp có hệ thống quản trị chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay như Fsoft, hay các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này khiến các DN Đà Nẵng phải thuê nguồn lao động ở các nước khác. Chúng ta sẽ tiếp nhận được công nghệ, cách làm việc chuyên nghiệp của nước ngoài, song vô hình chung lại khiến các DN lớn dần thôn tính các DN nhỏ ở địa phương”, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng cho hay.

Doanh nghiệp “bắt tay” với nhà trường 

Để giải quyết “cơn khát nhân lực” CNTT, từ năm 2014, các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố đã “bắt tay” với DN nhằm đưa các công nghệ mới, đang phát triển vào khung chương trình học. Các DN CNTT cho rằng, việc xây dựng các khung chương trình “mềm dẻo” hơn, sát với thực tiễn sẽ giúp sinh viên phát huy được những ưu điểm sẵn có ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này sẽ khiến các DN không phải mất thời gian đào tạo bổ sung khi tuyển dụng nguồn lao động vào làm việc tại đơn vị.

Thời gian qua, FSoft Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với một số trường đại học trên địa bàn đào tạo, hướng nghiệp cũng như nhận sinh viên khoa CNTT thực tập tại đơn vị. Mục tiêu là tạo điều kiện cho sinh viên ngành CNTT tại các trường đại học ở Đà Nẵng có trình độ tiếng Nhật từ N3 (trung cấp 1) trở lên có cơ hội việc làm trong kế hoạch tuyển dụng của FPT Software Đà Nẵng. 

Ông Nguyễn Tấn Huy, giảng viên Trung tâm Đào tạo của FPT Software Đà Nẵng chia sẻ: “Một trong những hướng đi quan trọng của FPT Software Đà Nẵng để tạo nguồn đầu vào hiệu quả cho nhu cầu tuyển dụng là hợp tác với các trường đại học tại khu vực miền Trung. Vì vậy, muốn tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình, ngay từ bây giờ các bạn sinh viên phải học tốt kiến thức nền, trau dồi khả năng ngoại ngữ…”.

Theo các chuyên gia CNTT, khi AEC hình thành thì nguồn nhân lực không mất đi, mà di chuyển tự do tạo ra sự cạnh tranh giữa lao động địa phương với lao động các nước trong khu vực. Điều đó vừa mang đến cơ hội, vừa là thách thức để sinh viên mới ra trường khẳng định năng lực bản thân. “So với 2 đầu đất nước thì Đà Nẵng là thị trường mới nổi, nhưng cũng đầy tiềm năng và trong tương lai sẽ thu hút nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài.

Hiển nhiên là DN lúc nào cũng sẽ lựa chọn những lao động tốt nhất, có tay nghề cao, vì vậy việc đào tạo ở các trường học là quan trọng. Ngoài việc hợp tác với DN, các trường nên kết nối với các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn thành phố”, ông Thanh nói.

Bài và ảnh: Hoàng Hân

.