Kinh tế
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn: Việc làm cần thiết
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoạt động trong điều kiện sản xuất khá manh mún, quy mô nhỏ lẻ cho nên lâu nay chưa quan tâm đúng mức việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương hiệu. Ngay cả chương trình khuyến công đặt vấn đề hỗ trợ tận nơi, nhiều người vẫn còn nghi ngại, cho tới khi nhận được kết quả trên tay họ mới thấy tấm giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thật giá trị...
Thiết bị sản xuất được hỗ trợ cho cơ sở từ chương trình khuyến công. |
Những chuyên viên làm công tác khuyến công ở Đà Nẵng có dịp theo sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thừa nhận “rất buồn” khi thấy thái độ thiếu mặn mà hợp tác từ các cơ sở sản xuất.
Anh Nguyễn Tri Vinh, chủ Cơ sở inox Nguyễn Tri Vinh (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) nói: “Đúng là ban đầu khi nghe cán bộ của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng trình bày về nội dung hỗ trợ, tôi chưa tin mình sẽ được hỗ trợ máy móc, thiết bị và đăng ký thương hiệu. Đến khi biết cơ sở của mình được nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ thì tôi hết sức bất ngờ và rất vui mừng. Từ cơ sở nhỏ lẻ, ban đầu chỉ có 5-7 công nhân, đến nay chúng tôi đã có hơn 40 công nhân, doanh thu mỗi tháng khoảng 1,3 tỷ đồng”.
Không chỉ anh Vinh, một số cơ sở khác đã bày tỏ niềm vui trước sự quan tâm của Nhà nước. Anh Trần Văn Huy, chủ cơ sở sản xuất than sinh học Khải Đăng, cho biết: “Trước khi nhận được sự hỗ trợ, bản thân cơ sở sản xuất hết sức khó khăn vì tự mày mò làm ăn. Nếu không được Trung tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu thì các cơ sở nhỏ lẻ như chúng tôi chẳng dám nghĩ tới. Thậm chí có lúc tôi nghĩ rằng, với thời gian hai năm tiến hành các bước thực hiện và đăng ký không biết có được không. Nhưng quả thật, Trung tâm hướng dẫn rất kỹ lưỡng, tận tình, phía cơ sở rất trân trọng sự hỗ trợ này. Việc có được giấy chứng nhận ban đầu giúp chúng tôi nhận thức được giá trị thương hiệu để phát triển”.
Theo quy định của chương trình khuyến công quốc gia, chi phí hỗ trợ không lớn nhưng quá trình “theo đuổi” để được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận với thời gian rất dài và phải phản hồi nhiều văn bản liên quan, đòi hỏi các chủ doanh nghiệp, cơ sở phải đầu tư nhiều thời gian và am hiểu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, các cơ sở CNNT ít quan tâm và không có nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình. Đại diện Cơ sở sản xuất nấm Phú Tài tin tưởng: Khi đã cầm được tấm giấy chứng nhận trong tay, cơ sở sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để khẳng định sản phẩm hiện có. Lâu nay cơ sở chỉ làm nấm theo kinh nghiệm, uy tín lâu năm chứ không có điều kiện để đăng ký chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện để lưu thông hàng hóa. Do đó, từ nay mối quan tâm hàng đầu của cơ sở chúng tôi là sức khỏe người tiêu dùng nên cơ sở cần được hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hơn…
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, chương trình hỗ trợ khuyến công dành cho các đơn vị cần chú trọng xây dựng thương hiệu phải gắn liền với công tác tuyên truyền và hỗ trợ thiết thực. Việc xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp, cơ sở phải nắm rõ ý nghĩa, giá trị của nó. Doanh nghiệp siêu nhỏ càng phải chú trọng, tạo hình ảnh thuyết phục, sự nhận diện cho khách hàng hơn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trong quá trình triển khai nếu các đơn vị không kiên trì đến cùng thì việc phát triển thương hiệu rất khó để duy trì và không khai thác được giá trị thương hiệu để phát triển. Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới chỉ là bước đầu tiên, vì vậy ngành công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu về lâu dài cho các cơ sở.
Bài và ảnh: HỒNG ANH