Kinh tế

Dự án QSEAP ở Đà Nẵng: Khai thác chưa hiệu quả

07:22, 23/11/2015 (GMT+7)

Dân gian thường nói “Có bột mới gột nên hồ”. Song ở huyện Hòa Vang, câu chuyện “bột” nhiều, thậm chí rất nhiều, lại chẳng thể gột nổi hồ. Đó là dự án QSEAP đầu tư gần 90 tỷ đồng, với hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện nhất, đất đai màu mỡ, giống, phân bón... được hỗ trợ nhiều nhất, thế nhưng thứ dự án cần nhất là nhiều rau sạch lại quá ít. Đến nay, phần lớn diện tích dự án vẫn hoang hóa, nơi sản xuất thì èo uột, kém hiệu quả.

Trên vùng rau thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn.
Trên vùng rau thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn.

Bài 1: Lãng phí các hạng mục đầu tư

Là một trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn triển khai dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP), Đà Nẵng kỳ vọng sẽ sản xuất nhiều rau màu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị. Bởi dự án tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng (cả ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ), trong đó chủ yếu là vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Châu Á (ADB). Vậy mà, sau gần 6 năm triển khai, chỉ mới khoảng 30ha/64,7ha quy hoạch của dự án đưa vào sản xuất với sản lượng rau rất khiêm tốn.

Trước tiên phải nhắc tới vùng rau 9ha của thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn. Là một trong 4 vùng dự án đầu tư trên địa bàn huyện Hòa Vang, vùng đất này khá màu mỡ và bằng phẳng. Dự án đầu tư gần 9 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: gần 1km đường bê-tông, 639 mét mương tiêu, 13 bể chứa nước, 1 nhà sơ chế, 631 mét đường dây điện hạ thế, 13.500m2 nhà vòm lưới... Hiện tại, trong số 9ha, mới có hơn 1ha được triển khai trồng rau.

Diện tích còn lại bà con nông dân trồng đậu, mè 1 vụ/năm rồi bỏ hoang hóa, trở thành nơi chăn thả trâu bò. Tại khu vực đang sản xuất, các loại rau trồng rất manh mún, thứ nào cũng èo uột. Một số nhà lưới dựng trên vùng toàn cỏ, chưa triển khai sản xuất. Ngôi nhà sơ chế 4 mùa gió lùa chưa một lần sử dụng. Gần như toàn bộ các bể chứa cạn khô. Nhà lưới, phần khung sắt còn nguyên, nhưng lưới thì tơi tả.

Qua  tìm hiểu, 14 hộ dân của thôn Thạch Nham Tây được bố trí sản xuất tại diện tích trên 1ha đã dựng nhà lưới. Trước khi tiếp cận vùng rau, bà con được hỗ trợ mọi thứ và tập huấn kỹ thuật khá kỹ. Trên phạm vi 1-2 sào/hộ, người dân trồng đủ loại như rau muống cạn, dền đỏ, cải xanh, mồng tơi, khổ qua, bí xanh... Ông Mạc Như Pháp, trưởng thôn Thạch Nham Tây, kiêm tổ trưởng tổ sản xuất rau tại đây cho hay: Việc trồng rau của bà con còn khá tự phát, nhỏ lẻ lắm. Hơn nữa, chưa mấy ai tâm huyết với hoạt động này nên vùng rau chậm khởi sắc. Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật hỗ trợ trồng khổ qua, bí xanh, dưa leo, song hiệu quả rất thấp. Tính ra, thu nhập mỗi sào tại đây chỉ độ 3-4 triệu đồng/năm là nhiều.

Với diện tích 13,7ha, vùng rau Cẩm Nê, xã Hòa Tiến đã “ngốn” hết gần 14 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng. Sau 3-4 năm triển khai, vùng rau này mới đưa vào sản xuất gần 1/2 diện tích. Số còn lại hoang hóa, hoặc chỉ gieo đậu mè. Tương tự, vùng rau ở Hòa Nhơn, gần như toàn bộ hệ thống hạ tầng (trừ đường bê-tông) tại đây chưa được phát huy, việc trồng cấy khá manh mún. Hai nhà sơ chế chơ vơ giữa đồng vắng, có chăng là nơi trú nắng, mưa của bà con mỗi khi ra đồng.

Mô hình được coi ấn tượng nhất là 1,6ha dưa chuột đã thu hoạch xong cho năng suất 17 tấn/ha. Với giá 5.000 đồng/kg, vụ này 4 hộ có đất, mỗi hộ thu lãi chừng 5-7 triệu đồng. Người chịu trách nhiệm về kỹ thuật là anh Bùi Văn Hiển (quê Tam Mỹ, Núi Thành, Quảng Nam), ăn nghỉ ngay tại vùng rau, tận tụy chăm sóc từ ngày gieo hạt đến khi hái quả, lương 6 triệu đồng/tháng.

Còn vùng rau 13ha tại thôn Phú Sơn 2, Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, đến nay mới sản xuất hơn 1ha, trong đó 5 sào của người dân từ Đại Lộc (Quảng Nam) ra thuê. Gần 14 tỷ đồng đã đầu tư, cơ sở hạ tầng rất hoàn thiện, đồng bộ, duy chỉ rau là không có. Nói đúng hơn, khu vực do người Đại Lộc sản xuất, rau trồng khá bài bản, có sản phẩm đưa ra thị trường. Ông Đinh Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết: Tập huấn nhiều, vận động lắm, hỗ trợ đủ thứ, thế mà người dân vẫn không làm nổi rau như kỳ vọng của dự án. Thực ra, mấy vụ vừa qua, sản xuất trên phạm vi hơn 1ha, song kết quả không như mong muốn, từ đó bà con ít mặn mà với cây rau.

Riêng vùng rau Hồ Bún, xã Hòa Phong, nơi đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, đã có rau đưa ra thị trường, bởi vùng này xây dựng cách đây 15 -16 năm, từ nền của dự án trước. Tuy vậy, mục tiêu mở rộng diện tích lên 20ha chưa đạt và lâu nay chỉ dừng lại ở mức 6ha.   

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

.