Kinh tế

Dự án QSEAP ở Đà Nẵng: Khai thác chưa hiệu quả

Bài cuối: Làm thuê trên đất của mình

07:01, 24/11/2015 (GMT+7)

Cũng đồng đất ấy, khí hậu ấy, thế nhưng vùng rau 11ha tại thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, do người địa phương khác đến thuê canh tác hoàn toàn khác hẳn. Và họ đang làm giàu từ cây rau khi trồng cấy rất khoa học, cho năng suất, hiệu quả cao…

Anh Lê Khắc Dũng tại vùng rau của mình ở xã Hòa Khương.
Anh Lê Khắc Dũng tại vùng rau của mình ở xã Hòa Khương.

Mỗi ha tại vùng này cho thu hoạch 60 tấn khổ qua, hoặc 80 tấn dưa leo/2 vụ, giá trị đưa lại trên dưới 300 triệu đồng; trong khi những người thuê đất không hưởng được sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật như bà con địa phương. Khu vực 3 ha của Công ty TNHH Rau sạch Tâm An không còn khoảnh đất trống. Tại đây, những giàn khổ qua, dưa lưới, bí xanh trĩu quả. Chị Trần Thị Bảo Ngà, kỹ sư nông nghiệp, chịu trách nhiệm kỹ thuật cho biết: Triển khai từ đầu năm, đến nay loại nào cũng đã thu hoạch xong 2 lứa. Bên cạnh các lại rau truyền thống như dưa leo, khổ qua, cà tím, vừa qua công ty trồng thử nghiệm dưa lưới, loại có nguồn gốc từ Thái Lan, hiệu quả rất khả quan, thu 350 - 400 triệu đồng/ha/lứa. Loại dưa này chất lượng cao hơn nhiều, giá thành 30.000 đồng/kg, còn dưa leo thu 40 tấn/ha, khổ qua 30 tấn/ha/vụ.

Tham quan vùng rau, chúng tôi gặp khá nhiều người dân xã Hòa Khương làm thuê tại đây. Chị Trương Thị Ngọc Ánh, chị Văn Thị Loan (thôn Hương Lam) trò chuyện: Mỗi ngày công được chủ trả từ 110.000-130.000 đồng. Công việc đã có kỹ thuật sắp xếp, bữa bón phân, bữa nhổ cỏ, chăm cây. Khi được hỏi vì sao không tự sản xuất trên vùng dự án Nhà nước đầu tư cho bà con địa phương, cả hai chị đều lảng tránh câu hỏi của chúng tôi một cách khó hiểu.

Kỹ sư trẻ Trần Thị Bảo Ngà thông tin thêm: Chủ doanh nghiệp là anh Nguyễn Hữu Thịnh, ở quận Ngũ Hành Sơn. Anh ấy chuyên lo đầu ra sản phẩm. Hai vụ sản xuất vừa qua, khổ qua, dưa leo, cà tím thu hoạch bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Nhiều khi khách hàng gọi điện đến nhưng không đủ cung cấp. Có thể nói, ít nơi nào sản xuất thuận lợi và hiệu quả như ở đây. Hạ tầng rất cơ bản, doanh nghiệp chỉ xuống giống, chăm cây cho xanh tốt.

Sát vùng rau của Công ty TNHH Rau sạch Tâm An là gần 2ha bầu và khổ qua của vợ chồng anh Lê Khắc Dũng (ở thôn Bồ Nam, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc). Người nông dân 37 tuổi này xuống Hòa Khương thuê đất trồng rau. Trên vùng rau của anh, thứ nào cũng xanh tốt, hai vợ chồng cần mẫn chăm bón. Dừng tay trong chốc lát, anh Dũng tâm sự: “Chúng tôi phải thuê 18 hộ mới có gần 1ha để sản xuất. Mỗi sào giá 800.000 đồng/năm. Đất ở đây khá màu mỡ, nước tưới đầy đủ, lưới đã có dự án dựng sẵn, rất lý tưởng cho trồng các loại rau ăn quả”. Hiện tại, anh đang trồng hai loại chính là bầu (năng suất 60 tấn/ha) và khổ qua. Cứ 4.000 đồng/kg, một năm hai lứa cho nguồn thu 24 triệu đồng/sào. Riêng khổ qua cao hơn chút ít, khoảng 26-27 triệu đồng/sào/năm. Với gần 1ha, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí. Hỏi về tiêu thụ, anh Dũng lạc quan nói: “Bầu, khổ qua cung cấp cho bạn hàng tại chợ đầu mối Hòa Cường. Có bao nhiêu họ lấy hết bấy nhiêu. Đến vụ thu hoạch, hôm nào cũng 10 giờ đêm sau khi giao xong sản phẩm cho bạn hàng, vợ chồng tôi mới về”.

Nghe anh Dũng nói về hiệu quả sản xuất rau sạch, chúng tôi còn nghi hoặc. Tuy nhiên, khi đến khu vực trồng bầu, khổ qua của vợ chồng anh Lê Khắc Thanh (trú cùng thôn với anh Dũng), thì anh Thanh cũng khẳng định: “Thu lãi 300 triệu đồng/ha/năm là có thực. Vợ chồng tôi thuê chỉ được 5 sào, thế mà vụ vừa qua, bán bầu, khổ qua thu 120 triệu đồng. Trừ chi phí 50 triệu đồng, lãi ròng 70 triệu đồng. Bầu, bí, khổ qua, chỉ 3-4 tháng là thu hoạch. Trồng bài bản, chăm sóc đến nơi đến chốn, năng suất 3-4 tấn/sào là chuyện thường”.

Không như các vùng rau khác của dự án QSEAP, vùng rau Phú Sơn Nam thực sự là nơi “hái ra tiền”. Có điều, những người đã và đang làm giàu từ cây rau đều đến từ địa phương khác. Tiếp nối vùng rau của ông Thanh, là khu vực sản xuất của ông Vĩ, ông Vân, ông Việt đều quê Đại Lộc. Mặc dù xây dựng sau, song số người từ nơi khác đến đã làm nên một vùng rau sạch đúng nghĩa. Trong khi người làm công trên vùng rau ấy chính là những người dân Hòa Khương, nói đúng hơn họ làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Hiện tại, người Đại Lộc đang ăn nên làm ra từ đất Hòa Vang và hưởng lợi từ dự án QSEAP đem lại. Rau họ làm ra, trước hết bán cho bà con Hòa Vang, sau đó cung cấp cho nội thành Đà Nẵng. Chưa bao giờ họ kêu ca, được mùa mất giá, hoặc sản phẩm khó tiêu thụ, trong khi họ ít nhận được sự hỗ trợ đủ thứ như bà con Hòa Vang.

Thực trạng nêu trên rất đáng để chính quyền, ngành nông nghiệp và bà con nông dân Hòa Vang suy ngẫm. Bởi, cùng đồng ruộng ấy, khí hậu ấy, cùng nông dân cả, thế mà những vùng dự án do người dân Hòa Vang sản xuất thì rau èo uột, kém hiệu quả; ngược lại người địa phương khác họ phải tốn kinh phí thuê đất, đi về xa xôi, lại thu lợi lớn...

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

.