Kinh tế
Cần đổi mới ngành nông nghiệp
Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Đà Nẵng chỉ chiếm 2,1% trong tổng sản phẩm xã hội của thành phố. Tuy vậy, ngành này đang có lực lượng lao động khá hùng hậu với khoảng 70.000 người và nhiều cơ quan, đơn vị chỉ đạo, điều hành, phục vụ sản xuất với hơn 500 công chức, viên chức và người lao động.
Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, nông nghiệp Đà Nẵng chưa tạo dấu ấn đáng kể nào và chưa có nông sản được trao thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đổi mới cả về cơ cấu tổ chức, bộ máy điều hành cũng như chất lượng sản xuất là yêu cầu bức thiết hiện nay, nếu như không muốn lãng phí về nhân lực, chất xám và kinh phí kéo dài, nhất là trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Trồng phong lan cắt cành ở Hòa Vang. |
Bài 1: Trồng trọt: Đất ít, người nhiều, giá trị thấp
Hiện nay, diện tích canh tác của Đà Nẵng chỉ còn hơn 4.000ha, trong đó 2.600-2.700 ha đất lúa. Giá trị sản xuất hằng năm chỉ đạt hơn 600 tỷ đồng, tương đương doanh thu của một doanh nghiệp loại vừa.
Trong khi đó, lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp khá lớn, gồm hàng nghìn hộ nông dân và nhiều cơ quan chỉ đạo điều hành, phục vụ sản xuất như Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư, Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng, phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) các quận, huyện; 14 HTX sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân...
Nhiều người sản xuất, nhiều đơn vị chỉ đạo, hệ thống thủy nông hoàn thiện, thế nhưng trên diện tích canh tác, trồng trọt ở Đà Nẵng chưa có dấu ấn nào nổi bật. Đến nay, chưa có loại nông sản nào đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Thậm chí, không ít diện tích canh tác bị hoang hóa, rất lãng phí. Năm nào cũng vậy, vụ hè thu ở Hòa Vang có hơn 300 ha đất lúa không canh tác.
Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho trồng trọt không nhỏ. Đơn cử như Dự án sản xuất lúa giống do Đại sứ 3 nước Brazil, Ấn Độ, Nam Phi tài trợ gần 500.000 USD tại xã Hòa Tiến; dự án QSEAP, vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng, chủ yếu trồng rau sạch ở Hòa Vang và Cẩm Lệ; dự án sản xuất theo công nghệ cao; xây dựng cánh đồng mẫu lớn...
Nói về năng suất cây trồng, Đà Nẵng thuộc nhóm thấp của khu vực. Chỉ canh tác tại những thửa thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”, nhưng ít vụ lúa đạt 60 tạ/ha. Nếu canh tác hết diện tích, năng suất thấp hơn nhiều.
Với các loại cây trồng khác cũng không mấy khả quan. Mặc dù đầu tư lớn, nhưng cây rau năng suất rất thấp (ngoại trừ một số vùng ở Ngũ Hành Sơn và do nông dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sản xuất). Về chất lượng, chưa loại nông sản nào được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu độc quyền.
Sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ tại chỗ theo kiểu tự cung, tự cấp. Gạo do nông dân Đà Nẵng sản xuất chất lượng thấp không thể tiêu thụ ở vùng đô thị. Nói về thực trạng này, tại hội nghị sơ kết 2 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Đặng Công Thắng, quyền Chủ tịch Hội Nông dân thành phố thẳng thắn chỉ rõ: Gạo của nông dân Hòa Vang sản xuất không ngon. Chính người làm ra nó cũng ít ăn, nói chi ở đô thị. Còn rau xanh, thử hỏi ở đâu có rau sạch đúng nghĩa. Nói là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, song tìm được bó rau thực sự an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không dễ.
Có thể nói, thời gian qua, các đơn vị chỉ đạo, điều hành và phục vụ sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đã rất cố gắng nhằm tạo bước đột phá về năng suất chất lượng cây trồng. Kết quả, có một số việc đáng ghi nhận như xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh lúa hữu cơ, rau sạch, hoa tươi... Tuy vậy, quá trình chỉ đạo sản xuất đang vấp phải nhiều trở ngại.
Trong đó, nổi lên là diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún; lực lượng lao động lớn tuổi, ít người tâm huyết với đồng ruộng, khó triển khai các chương trình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ sinh học. Từ đó, sự gắn kết giữa các đơn vị này với nông dân không còn mặn mà như trước và vai trò của họ khá mờ nhạt trong sản xuất của nhà nông.
Hệ quả là các mô hình triển khai tiêu tốn nhiều kinh phí nhưng đều sớm chết yểu do nông dân không nỗ lực duy trì và phát triển. Hiện tại, hoa tươi có dấu hiệu khởi sắc, song sản lượng không nhiều.
Trước xu thế đô thị hóa đang tiến về nông thôn, diện tích canh tác ở Đà Nẵng sẽ tiếp tục giảm mạnh. Để nâng cao chất lượng trồng trọt, ngành nông nghiệp cần phải đổi mới cả về bộ máy điều hành chỉ đạo theo hướng tinh gọn, phù hợp với đặc thù của Đà Nẵng, về giải pháp sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho rằng, diện tích canh tác ít, nhiều đơn vị chỉ đạo điều hành rất bất cập và lãng phí. Cụ thể như khi lúa bị sâu bệnh, huyện phải có báo cáo gửi Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật để kiểm tra, xem xét rồi mới phối hợp triển khai phòng trừ. Phải qua bước trung gian này vừa nhiêu khê mà tốn thời gian. “Cùng theo đó, trồng trọt ở Đà Nẵng cần phải chuyển mạnh theo hướng chuyên canh, ứng dụng rộng rãi công nghệ cao. Trước hết, phải quy hoạch và đầu tư có chiều sâu cho vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn và hoa cây cảnh cao cấp...”, ông Lý cho biết thêm.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu