Kinh tế
Hiệu quả vận động ODA và NGO
Trong những năm qua, nhờ sự tích cực vận động của thành phố, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và các nhà tài trợ, Đà Nẵng đã có nhiều dự án sử dụng vốn ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) được triển khai, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Sự phát triển của Đà Nẵng hôm nay có sự đóng góp một phần từ nguồn vốn ODA, NGO. |
Đà Nẵng hiện có 15 dự án sử dụng nguồn vốn ODA; trong đó, 7 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 8 dự án đang triển khai, với tổng vốn đầu tư khoảng 701,5 triệu USD (tương đương 15.422 tỷ đồng). Trong đó, vốn ODA là 539,6 triệu USD (tương đương 11.871 tỷ đồng) chiếm 77% tổng vốn, chủ yếu được tài trợ bởi các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), JICA (Nhật Bản), Ngân hàng XNK Hàn quốc, Quỹ EDCF, Tổ chức Đông Tây hội ngộ...
Đáng chú ý là, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (252,2 triệu USD, dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (272,7 triệu USD), dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 (86,03 triệu USD)… Về NGO, giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị viện trợ đạt 530,215 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, giảm nghèo, các vấn đề xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… do các tổ chức tài trợ như Herz fur Herz - Stifung fur Leben (Quỹ trái tim vì trái tim - Đức); Newborns Vietnam (Anh); Harold Chan Sook York (Singapore)…
Trong thời gian qua, Đà Nẵng không ngừng mở rộng và đẩy mạnh mối quan hệ với các tổ chức nước ngoài, tranh thủ được các nguồn vốn hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế để đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu xã hội.
Đà Nẵng luôn cố gắng phát huy vai trò làm chủ của mình và giữ hài hòa với các nguyên tắc của nhà tài trợ nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng nguồn vốn ODA. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết: “Đà Nẵng luôn ưu tiên dành nguồn ngân sách để đảm bảo bố trí giải ngân vốn đối ứng cho các dự án ODA được đầy đủ, kịp thời, đáp ứng tiến độ giải ngân theo yêu cầu của nhà tài trợ. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố thực hiện tốt công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng bàn giao đúng thời hạn để dự án được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Nhờ vào việc sử dụng, quản lý đầu tư từ nguồn ODA đạt hiệu quả cao, thành phố tạo dựng được mối quan hệ, niềm tin với các nhà tài trợ.
Trong bối cảnh kinh tế chưa thật sự khởi sắc như hiện nay, nguồn vốn ODA, NGO giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, y tế, nông nghiệp nông thôn…
Nhiều dự án đã góp phần quan trọng vào việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng kỹ thuật của thành phố như các dự án về cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu vực ô nhiễm, xây dựng nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải, xây dựng các công trình giao thông công cộng, phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT), các tuyến đường chiến lược đô thị, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho chính quyền thành phố về quản lý cơ sở hạ tầng đô thị…
Thông qua các chương trình, dự án, nguồn vốn hỗ trợ này đã tiếp cận cộng đồng và người dân tốt, góp phần tác động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cụ thể như: Nâng cấp 13 khu nhà ở thu nhập thấp; xây dựng 3 khu tái định cư (Thanh Khê Tây, Hòa Minh và Hòa Quý); cải tạo môi trường sông Phú Lộc; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, mở rộng hệ thống thu gom nước thải tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ; xây dựng đường và cầu Nguyễn Tri Phương nối dài; xây dựng đường và cầu vành đai phía Nam thành phố (quốc lộ 1A - Trần Đại Nghĩa); mở rộng hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và Cẩm Lệ; nâng cấp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà; xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân.
Trong những lần làm việc với lãnh đạo thành phố, Giám đốc WB tại Việt Nam - bà Victoria Kwakwa cho biết: Với việc triển khai các dự án có vốn ODA tại Đà Nẵng nói chung, dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng (SCDP) nói riêng, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam có được hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải rộng khắp và toàn diện, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia; giúp phát triển các dịch vụ vận tải công cộng chất lượng cao và đáng tin cậy.
Dự án sẽ mang lại những tiện ích về dịch vụ xã hội, giúp cho người dân thành phố được hưởng thụ một cuộc sống tốt hơn; góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đà Nẵng, trở thành một thành phố xanh, sạch, thành phố môi trường, và là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án ODA, NGO cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Nguồn vốn ODA hạn hẹp do Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp, nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ cho thành phố dần thu hẹp; một số tổ chức phi chính phủ lợi dụng hoạt động viện trợ nhân đạo để tuyên truyền tôn giáo; nguồn nhân lực làm công tác vận động viện trợ tại các quận, huyện vẫn chưa được đầu tư thích đáng; phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền trong vận động, quản lý hoạt động của các dự án ODA, NGO vẫn còn hạn chế… Đôi lúc vẫn còn khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện dự án kéo dài...
Mặt khác, vốn đối ứng của thành phố cũng còn hạn chế, chưa tạo thuận lợi cho ngành y tế, môi trường mạnh dạn tiếp nhận các chương trình, dự án mới mà một số tổ chức nước ngoài yêu cầu cam kết của chính quyền địa phương; kinh phí đầu tư để áp dụng các giải pháp công nghệ do nhà đầu tư nước ngoài đề xuất vượt khả năng chi trả của thành phố (xử lý rác thải, nước thải, giải pháp công nghệ thông tin để xây dựng thành phố thông minh)...
Trong một vài lĩnh vực như môi trường, việc tiếp nhận nhiều dự án hỗ trợ, hợp tác quốc tế dẫn đến sự chồng chéo về mặt nội dung, gây khó khăn cho cơ quan đầu mối cũng như đối tác nước ngoài.
Trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ ưu tiên, kêu gọi, vận động thu hút vốn ODA vào các lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình thiết yếu của Khu công nghệ cao và Nhà máy xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp; xúc tiến đẩy nhanh tiến độ các dự án cải thiện môi trường nước, dự án đầu tư phát triển Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành trường nghề chất lượng cao; dự án nâng hạn mức tín dụng của Cơ quan phát triển Pháp; tiếp cận tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; triển khai thí điểm các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ từ bên ngoài và của địa phương, tạo nền tảng quan trọng để Đà Nẵng phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Thành Lân