Thị trường lao động tại Đà Nẵng hiện nay được xem là sôi động nhất trong năm với hàng loạt việc làm dành cho người lao động cùng mức thu nhập hấp dẫn, nhất là lao động thời vụ.
Cuối năm là thời điểm để lao động tự do sinh viên làm thêm kiếm tiền với thu nhập cao. Trong ảnh: Lao động đăng ký việc làm tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức. |
Đứng tần ngần trước các bảng rao tuyển lao động tại phiên giao dịch việc làm ngày 20-12-2015 được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (số 278 Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), chị Lê Ngọc Hân (33 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Trước đây, mình làm công nhân may ở Đà Nẵng nhưng nghỉ việc để sinh em bé. Bây giờ, con mình 2 tuổi rồi nên gửi ở quê cho ông bà ngoại trông và ra đây tìm việc. Mình thấy có nhiều nơi đang tuyển dụng lao động nhưng chưa nộp hồ sơ vào công ty nào vì đang so sánh mức lương và chế độ đãi ngộ”.
Tại nhiều phiên giao dịch việc làm gần đây, số doanh nghiệp tuyển dụng nhiều và công việc cũng khá phong phú. Tuy nhiên, người lao động đến tham gia tuyển dụng không nhiều, hầu hết là sinh viên, học sinh chọn các việc làm thời vụ.
Chẳng hạn, tại phiên giao dịch việc làm ngày 20-12-2015 vừa qua, có 61 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với số lượng lao động cần tuyển lên đến gần 3.000 người. Tuy nhiên, chỉ có 43 lao động tìm được việc làm.
Trước đó, trong phiên giao dịch việc làm ngày 10-12-2015 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (số 21 Phan Châu Trinh), có 89 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với số lượng cần tuyển hơn 3.200 lao động nhưng chỉ hơn 150 lao động tìm được việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Diệp, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động. “Không ít lao động có trình độ đại học, thậm chí là thạc sĩ, đã phải chấp nhận làm công việc chưa đúng với ngành học và có mức thu nhập thấp hơn. Đó là bởi thị trường vẫn đang cần lao động có tay nghề, trong khi một số ngành nghề dù có bằng cấp nhưng hiện dư thừa như: tài chính ngân hàng, kế toán…”, ông Diệp cho biết.
Cũng theo ông Diệp, nhu cầu tuyển dụng trong tương lai sẽ tập trung vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề cao.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu lao động phổ thông để phục vụ sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm gia tăng, chủ yếu ở các ngành như: kinh doanh, dịch vụ, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, du lịch, bảo hiểm, xây dựng…
Bên cạnh đó, các ngành kinh doanh, bán hàng, dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, dịch vụ phục vụ (bảo vệ, giúp việc gia đình…) cũng thu hút lượng lớn lao động bằng mức thu nhập hấp dẫn. Cuối năm được xem là dịp để lao động tự do.
Dù chỉ nhận lương trên ngày công hoặc sản phẩm thực tế, ngoài ra không có bảo hiểm xã hội hay phụ cấp khác như lao động cố định, nhưng lương cho các lao động thời vụ dịp Tết thường cao gấp 2 lần bình thường. Ước tính một lao động có thể kiếm được 400.000 đồng/người/ngày.
Nguyễn Hồng Hạnh, sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Đây là năm thứ hai mình ở lại Đà Nẵng làm thêm dịp Tết. Bố mẹ ở Hà Tĩnh nuôi hai đứa em mình đang đi học nên cuộc sống rất chật vật. Không được về nhà cũng nhớ lắm nhưng dịp Tết dễ kiếm tiền mà thu nhập cũng khá cao. Kiếm được tiền, mình khỏi phải xin bố mẹ. Sau Tết, tranh thủ về thăm nhà cũng được”.
Hạnh tính nhẩm, chỉ riêng dịp Tết, với công việc phụ bán hàng, phát tờ rơi…, cô cũng kiếm được gần 10 triệu đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt mấy tháng sau Tết mà không nhờ bố mẹ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chủ yếu là dệt may, da giày đang cần tuyển số lượng lao động tương đối lớn. Chẳng hạn, tại các phiên giao dịch việc làm vừa qua, Công ty CP SX TM giày N. (quận Sơn Trà) rao tuyển 300 công nhân may, Công ty CP may P. (quận Liên Chiểu) tuyển 800 công nhân may với mức lương thỏa thuận…
Theo một cán bộ lâu năm trong ngành LĐ-TB&XH tại Đà Nẵng, việc doanh nghiệp rao tuyển nhiều nhưng tìm không ra lao động do nhiều nguyên nhân. “Cũng có trường hợp một số doanh nghiệp rao tuyển lao động để bù đắp vào lượng lao động thiếu hụt do người lao động về quê ăn Tết và nghỉ việc luôn.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp tuyển lao động và đối tượng được tuyển không ai khác chính là những lao động đã… nghỉ việc trước đó. Hoạt động này nhằm “né” việc trả phụ cấp thâm niên và các chế độ khác cho người lao động”, vị này cho biết.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ