Nhật Bản là thị trường truyền thống lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phần mềm tại Đà Nẵng. Nhiều dự án phần mềm của các đối tác Nhật đã mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho nguồn lao động trẻ của thành phố.
Các doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng hiện đang đối mặt với bài toán thiếu nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật. |
Thị trường tiềm năng
Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố, hiện Đà Nẵng có hơn 80 DN là chi nhánh của các công ty Nhật Bản hoặc làm gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) đánh giá, so với 2 “đại gia” là Trung Quốc và Ấn Độ thì Đà Nẵng-Việt Nam luôn là địa chỉ hấp dẫn được các DN, các tập đoàn lớn của “đất nước mặt trời mọc” tìm đến để ủy thác các dịch vụ phần mềm. “Những năm gần đây, Nhật Bản chuyển dần các bộ phận phát triển phần mềm đến các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chính những nét tương đồng về văn hóa, chi phí nguồn nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện khiến Đà Nẵng luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các đối tác Nhật. Trong tương lai, tiềm năng của thị trường gia công xuất khẩu phần mềm cho Nhật Bản là rất lớn”, ông Đặng Hoàng Long, Giám đốc Chi nhánh Công ty Global Cybersoft tại Đà Nẵng cho hay.
Theo ông Long, chỉ trong vòng hơn 3 năm mở chi nhánh tại thành phố ven sông Hàn, doanh thu làm gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản của Global Cybersoft tăng trưởng khoảng 100%, DN dần tạo được uy tín với khách hàng Nhật “khó tính”.
Khảo sát một vài DN trên địa bàn thành phố, trong tổng số đơn hàng gia công phần mềm mà DN nhận được thì thị trường Nhật Bản luôn chiếm hơn 50%, với doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Là trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn nhất của thành phố, FPT Softwave Đà Nẵng luôn được các khách hàng Nhật đánh giá cao về khả năng thực hiện thành công nhiều dự án phần mềm lớn với đội ngũ kỹ sư giỏi, có trình độ.
Năm 2015, giá trị xuất khẩu phần mềm của FPT Softwave Đà Nẵng đạt khoảng 26 triệu USD, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng trên 70% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 35%. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Softwave Đà Nẵng cho hay, để “kết thân” lâu dài với các đối tác Nhật thì FPT Softwave Đà Nẵng luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là đào tạo đội ngũ kỹ sư cầu nối biết tiếng Nhật.
“Các đối tác Nhật thường giới thiệu khách hàng cho nhau. Vì vậy, chỉ cần tạo được uy tín và niềm tin như giao sản phẩm đúng thời hạn, cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, hiểu văn hóa của nước bạn… thì DN phần mềm sẽ không bao giờ sợ thiếu đơn hàng từ Nhật Bản”, ông Phương nói. Trong năm tới, FPT Softwave Đà Nẵng sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản trên 40%, với việc chuyển sang khai thác những lĩnh vực mới như tài chính, ngân hàng, ô-tô...
Các chuyên gia phần mềm dự báo, trong thời gian tới, nguồn nhân lực CNTT làm cho thị trường gia công phần mềm Nhật Bản có nhu cầu rất cao. Nhiều DN lớn như FPT Softwave Đà Nẵng, Global Cybersoft... mong muốn tuyển dụng thêm nguồn lao động CNTT biết tiếng Nhật nhưng hiện thị trường Đà Nẵng vẫn không đáp ứng đủ.
Đẩy mạnh chương trình đào tạo tiếng Nhật
Để giải quyết bài toán nguồn “cung” cho thị trường phần mềm Nhật Bản, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng luôn cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu của DN, đồng thời mời nhiều chuyên gia DN đến giảng dạy, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.
“Nhiều DN vẫn tuyển sinh viên tốt nghiệp chỉ biết tiếng Anh và làm việc bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu sinh viên sử dụng được tiếng Nhật thì sẽ thuận lợi hơn khi làm việc cho thị trường Nhật Bản. Thành phố nên có các chính sách mạnh mẽ và cụ thể để giúp các đơn vị đào tạo mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT”, PGS, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đề xuất.
Cuối tháng 9-2015, UBND thành phố đã đồng ý cho Công ty FPT Software Đà Nẵng ký kết thỏa thuận về việc dạy tiếng Nhật và giải quyết việc làm cho sinh viên ngành CNTT với các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo đại diện các trường đại học, hiện nay việc triển khai thực hiện bản cam kết này còn nhiều khó khăn. “Trường Đại học Duy Tân vẫn chưa thể đưa chương trình đào tạo tiếng Nhật vào giảng dạy cho sinh viên vì cần phải có đội ngũ giáo viên dạy CNTT bằng tiếng Nhật. Nhà trường đang chờ chương trình và kế hoạch đào tạo từ FPT”, Th.S Trương Tiến Vũ, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân cho biết. Nhằm chủ động nguồn “cung” cho thị trường phần mềm Nhật Bản, một số trường đại học đã liên kết với DN Nhật và nhận được sự hỗ trợ rất lớn về đội ngũ giảng viên và kinh phí đào tạo.
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với Công ty Framgia (Nhật Bản) để tìm kiếm nguồn kinh phí, tổ chức đào tạo tiếng Nhật và cung cấp trang thiết bị thực hành cho sinh viên thuộc chương trình chất lượng cao chuẩn Nhật Bản.
“Cánh cửa” cho thị trường xuất khẩu phần mềm Nhật Bản đang rộng mở với các DN Đà Nẵng. Thế nhưng nếu DN địa phương vẫn cứ loay hoay với bài toán nguồn nhân lực thì khó thực hiện những dự án phần mềm lớn do đối tác Nhật yêu cầu, thương hiệu của DN khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN