Kinh tế

Cuối năm, hối hả để tàu vỏ thép vươn khơi

13:07, 07/02/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Đến thăm Công ty CP Kỹ thuật biển STECH Đà Nẵng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) một ngày cận Tết, hàng chục công nhân miệt mài và hối hả làm nhiệm vụ đóng tàu vỏ thép dù hương xuân đang về ở khắp mọi nhà...

Công nhân hối hả cắt, hàn để hoàn thành chiếc tàu vỏ thép
Công nhân hối hả cắt, hàn để sớm hoàn thành con tàu vỏ thép

Thời tiết sáng sớm khá lạnh nhưng các công nhân của công ty vẫn khẩn trương. Người hàn, người dùng máy cắt tôn, người vặn vít, tiếng búa kêu chát chúa. Thỉnh thoảng có một vài tiếng gọi giục giã của chủ tàu vỏ thép.

Đứng bên con tàu vỏ thép ĐNa 90777 –TS của ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) – con tàu sắp sửa hoàn thiện, ghi nhận của chúng tôi con tàu rất uy nghi, vững chãi, có thể chịu được sóng gió lớn.

Đây là con tàu vỏ thép của ngư dân Đà Nẵng được khởi công sớm nhất theo Nghị định 67 Chính phủ. Tàu có công suất gần 900CV, trị giá đầu tư gần 20 tỷ đồng, tàu làm nghề chụp mực tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Đang lom khom “chỉ huy” các công nhân làm việc trên boong, anh Trần Văn Mười cho biết: “Muốn làm giàu thì phải mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên cũng phải vận dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác, đánh bắt mới đem lại hiệu quả”.

Anh Mười là một ngư dân trẻ, năng động của thành phố Đà Nẵng, từng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong đánh bắt, khai thác thủy sản.

Anh từng sở hữu con tàu câu mực lớn nhất miền Trung, mỗi năm cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng.  Tuy nhiên, xác định làm giàu cần phải đầu tư nên sau khi có Nghị định 67, anh Mười đã đăng ký thực hiện đóng mới tàu.

Bên cạnh đó là tàu vỏ thép thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam đến thời điểm này của ngư dân Nguyễn Sương (phường Nai Hiện Đông, quận Sơn Trà) cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dù thời gian đến Tết chỉ tính bằng giờ, nhưng các công nhân vẫn rất hối hả để hoàn thành con tàu đúng tiến độ.

Một công nhân tên Thành chia sẻ: “Ra giêng, tàu sẽ hạ thuỷ nên mặc dù cận Tết chúng tôi vẫn khẩn trương làm việc. Vợ con cũng điện thoại hối về để đi sắm Tết, nhưng phải lựa lời lần lữa mãi…”.

Tàu vỏ thép của anh Trần Văn Mười chuẩn bị hoàn thành
Tàu vỏ thép của anh Trần Văn Mười sắp hoàn thành

Ngư dân Nguyễn Sương cho biết, tàu làm nghề lưới rê 3 lớp tại ngư trường Hoàng Sa, tuy nhiên anh cũng sẽ thay đổi ngư trường liên tục: “Khi ngư trường Hoàng Sa có thời tiết xấu, mình sẽ cho tàu ra Vịnh Bắc Bộ hoặc vào Trường Sa và phía Nam Bộ…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, từ khi Nghị định 67 của Chính phủ triển khai, thành phố Đã Nẵng đã có 4 tàu khởi công, trong đó có ba tàu vỏ thép, một tàu vỏ gỗ của ông Lê Văn Nhắn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hạ thuỷ cách đây vài tháng và đã thực hiện nhiều chuyến đánh bắt hiệu quả.

Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 67. Vừa qua, một số vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định đã được Chính phủ tháo gỡ bằng việc thay thế, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định.

Rời “công trường” đóng tàu khi trời đã quá trưa, gió vẫn lạnh, hương xuân đang gõ cửa từng ngôi nhà, ngõ nhỏ, phố phường, thế nhưng tiếng búa gõ, tiếng hàn xì, tiếng cười nói vẫn rôm rả. Một mùa xuân đang đến rất gần và với những công nhân của “công trường” đặc biệt ấy, mùa xuân sẽ ý nghĩa hơn khi tất cả đồng lòng nỗ lực để hoàn thiện sớm con tàu giao cho ngư dân hạ thủy đúng thời gian mong đợi…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.