Ở huyện Hòa Vang, nói về điển hình phát triển kinh tế nông thôn, nhiều người nhắc đến anh Nguyễn Tri Vinh, ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn. 5 năm nay, chàng thanh niên này đã mở ra hướng làm ăn mới tại nơi mình sinh ra, lớn lên, đó là sản xuất móc áo i-nốc, đáp ứng nhu cầu thị trường cả nước.
Hiện tại, trong phạm vi 400m2 nhà xưởng, anh lắp đặt nhiều máy móc chuyên dụng, công nghệ tiên tiến, 40 lao động là thanh niên nông thôn, mỗi ngày sản xuất ra 2.000 sản phẩm, trị giá 40-50 triệu đồng.
Từ bước đột phá về phát triển kinh tế nông thôn này, tháng 8-2014, Nguyễn Tri Vinh được Thành Đoàn Đà Nẵng chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 3, do Trung ương Đoàn tổ chức tại thủ đô Hà Nội; anh Vinh cũng được UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen.
Nguyễn Tri Vinh (đứng) kiểm tra chất lượng sản phẩm. |
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Pháp năm 2005, Vinh khởi nghiệp bằng nghề hướng dẫn du lịch. Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, chàng thanh niên xuất thân từ gia đình công giáo ở xã Hòa Sơn này nhận ra rằng, không ít nơi giàu có nhờ mở ra cơ sở sản xuất hàng hóa.
Nhận thấy, móc áo i-nốc là mặt hàng gia đình nào cũng cần, song trên thị trường chưa nhiều, năm 2011, Vinh mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, học nghề sản xuất sản phẩm này. Không ngờ thu nhập cao hơn hẳn nghề hướng dẫn du lịch. Năm 2013, Vinh chính thức từ giã nghề đã theo đuổi 8 năm, tập trung đầu tư công sức, vốn liếng cho cơ sở sản xuất móc áo i-nốc tại nhà.
Thực hiện triệt để phương châm chất lượng sản phẩm là trên hết, Vinh coi trọng chữ tín với khách hàng, chăm lo chu đáo đời sống người lao động. Từ 4 nhân công ban đầu, 3 năm sau, khối lượng công việc đã cần tới 40 lao động.
Đến nay, cơ sở của Vinh đã có 30 máy móc các loại, từ khâu dập, uốn, hàn đến đánh bóng, để rồi từ những thanh i-nốc nguyên liệu, dưới bàn tay người thợ, vô số móc áo i-nốc đủ kích cỡ đến tay người tiêu dùng.
Đến thăm cơ sở sản xuất của thanh niên tiên tiến Nguyễn Tri Vinh, chúng tôi thấy những thanh niên cần mẫn với các công đoạn của dây chuyền sản xuất, hỏi chuyện ai cũng hài lòng với công việc và thu nhập tại đây. Anh Nguyễn Văn Hòa, ngụ thôn Phú Hạ cho biết: “Cách đây hơn một năm, học xong phổ thông, không có việc làm, đời sống gia đình rất khó khăn được anh Vinh thu nhận vào đào tạo nghề, giao máy, giao việc, công việc và thu nhập rất ổn định. Người mới vào làm lương 3-4 triệu đồng/tháng, người làm lâu 6-7 triệu đồng/tháng”.
Về đầu ra sản phẩm, anh Vinh cho hay: “Sản phẩm do cơ sở làm ra không chỉ tiêu thụ ở Đà Nẵng mà còn vươn ra thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Lâu nay, cơ sở vẫn kết nối với khách hàng qua điện thoại, hoặc thư điện tử, sản phẩm chuyển tận nơi theo đơn đặt hàng. Mỗi tháng, doanh thu từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Điều phấn khởi là hoạt động của cơ sở được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, Đoàn Thanh niên. Năm 2014, Trung tâm Khuyến công thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng để mua máy móc”.
Chưa thỏa mãn với thành quả đạt được, Nguyễn Tri Vinh vừa nâng cấp cơ sở lên doanh nghiệp tư nhân mang tên Tân Lạc. “Sắp tới, tiếp tục đầu tư nhiều tỷ đồng nữa để mở rộng không gian nhà xưởng thêm 400-500m2. Khu vực đang sản xuất cũng sẽ nâng cấp khang trang hơn; đầu tư thiết bị máy móc với dây chuyền mới hiện đại; tiếp tục tuyển dụng, đào tạo nghề từ 20-30 thanh niên nông thôn nữa”.
Nói về chủ cơ sở sản xuất móc áo i-nốc này, Phó Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang Nguyễn Bá Duân cho rằng: Sức trẻ, nghị lực cùng khát khao làm giàu ngay tại quê hương mình đã thôi thúc những thanh niên như Nguyễn Tri Vinh đầu tư công sức, trí tuệ mở ra hướng làm ăn mới rất hiệu quả.
Hiện tại, mô hình kinh tế tiêu biểu như anh Vinh ở Hòa Vang chưa nhiều, nhưng từ điểm sáng này, Huyện Đoàn sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan học hỏi, qua đó xây dựng phương án tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu