Sáng 4-2, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đặt bút ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP. (Nguồn: EPA) |
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện cho Việt Nam tham gia lễ ký TPP tại Auckland.
Chứng kiến lễ ký có Thủ tướng nước chủ nhà John Key.
Phát biểu khai mạc lễ ký, Thủ tướng John Key bày tỏ niềm vinh dự được là nước tổ chức lễ ký chính thức TPP cũng như tham gia toàn bộ quá trình hình thành TPP (New Zealand là một trong 4 nước sáng lập TPP).
Ông cho rằng TPP giúp tự do hóa thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thương trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và về tổng thể sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho tất cả 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này.
Sau lễ ký này, mỗi nước có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực.
Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước thành viên, chiếm tối thiểu 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của cả 12 nước, phê chuẩn.
Điều này có nghĩa là thỏa thuận phải được Quốc hội tại hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.
TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia (bao gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam), được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…
Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.
Một khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Quá trình đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3/2010.
Qua 19 phiên đàm phán chính thức, 5 phiên cấp Bộ trưởng, việc đàm phán TPP đã hoàn tất vào tháng 10-2015 và chỉ sau đó 1 tháng, toàn văn hiệp định đã được công bố.
Từ đó đến nay, các nước không thay đổi các nội dung đàm phán đã được thống nhất mà chỉ điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật trên cơ sở ý kiến rà soát của các chuyên gia pháp lý.
Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo nội dung được đưa ra ký kết chính thức phù hợp hơn với quy định pháp lý quốc tế cũng như quy định trong nước của các nước TPP, không ảnh hưởng đến bản chất nội dung đã cam kết.
Theo Vietnam+