Trẻ, năng động, biết vận dụng kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật hiện đại vào khai thác, đánh bắt, nhờ đó, những chuyến biển luôn đầy ắp cá tôm, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng.
Đó là câu chuyện làm giàu của vợ chồng ngư dân Nguyễn Sương và Võ Thị Thu Hương (cùng sinh năm 1981, trú tổ 160, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).
Con tàu vỏ thép đang dần hoàn thiện là niềm tự hào của gia đình ngư dân Nguyễn Sương. |
Có gan làm giàu
Chúng tôi đến thăm gia đình ngư dân Nguyễn Sương vào một ngày đầu năm mới. Khuôn mặt dạn dày sương gió, đoán biết anh Sương đã có nhiều năm bôn ba với biển cả. Vốn quê Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, gia đình có truyền thống nghề biển, nhưng anh Sương đi biển với cha được một thời gian rồi chuyển lên bờ, bởi nhận thấy nghề này quá khó khăn, vất vả. Sương chuyển sang học nghề sản xuất ngư lưới cụ. Chị Thu Hương học xong đại học, làm việc cho một công ty.
Đến 2009, anh Sương và chị Hương kết hôn rồi chuyển ra Đà Nẵng sinh sống. Nhận thấy Đà Nẵng có điều kiện phát triển nghề biển, vợ chồng chị Thu Hương bàn bạc đầu tư làm lại nghề biển bằng việc thử nghiệm đóng một đôi tàu có công suất gần 400CV/tàu và giao cho người anh đi biển.
“Nghề biển muốn thành công phải dựa vào 3 yếu tố, đó là kinh nghiệm biển, biết vận dụng khoa học công nghệ trong đánh bắt và phải đầu tư lớn. Gia đình anh Sương có truyền thống lâu đời từ nghề biển, bản thân anh luôn biết tìm tòi, học hỏi công nghệ”, chị Hương nói.
Sau một năm người anh đi trên đôi tàu của mình thành công, vợ chồng anh Sương quyết định đầu tư, đóng mới 2 tàu có công suất gần 500CV/tàu và thuê lao động có tay nghề ở nhiều địa phương khác nhau đi làm, đồng thời chọn vùng biển Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ làm ngư trường chính.
Không dừng lại ở những con tàu nhỏ, năm 2014, vợ chồng Nguyễn Sương đầu tư gần 10 tỷ đồng đóng mới đôi tàu công suất lớn, trong đó có 1 tàu công suất gần 1.500CV, theo công nghệ của Thái Lan. Chị Thu Hương cho biết, để thành công, vợ chồng quyết định đầu tư các thiết bị hiện đại nhất phục vụ quá trình đánh bắt, nhất là phải có hệ thống cấp đông tốt nhất để giữ cá tươi ngon đưa về đất liền tiêu thụ.
“Nhờ hệ thống cấp đông mới, mỗi chuyến biển luôn đem lại hiệu quả rất cao”, chị Hương nói. Chị Hương tiết lộ, trừ chi phí cho mỗi chuyến biển, 4 tàu đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 7 tỷ đồng; 72 lao động thu nhập trên 130 triệu đồng/người/năm.
Sẽ đầu tư theo quy trình khép kín
Chị Hương tâm sự, muốn đánh bắt hải sản hiệu quả phải biết đầu tư mạnh, đầu tư đúng hướng, bên cạnh đó phải có mối quan hệ và chia sẻ thông tin cho nhau. Chị lý giải: “Anh Sương là người nắm bắt khoa học kỹ thuật đánh bắt tốt, tuy nhiên trên biển thì không bằng những “lão ngư”. Vì vậy, anh thường xuyên chia sẻ về kinh nghiệm đánh bắt, còn những vùng đánh bắt nhiều tôm cá thì phải nhờ các “lão ngư””.
Được biết, từ khi Nghị định 67 của Chính phủ ban hành, vợ chồng chị Hương quyết định đăng ký đóng tàu vỏ thép. Con tàu có tổng trị giá gần 20 tỷ đồng, công suất 820CV, thiết kế theo mẫu hiện đại nhất đang dần hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị hạ thủy.
Nhìn con tàu uy nghi, anh Sương vui mừng nói: “Ngư dân nhiều nơi đang chờ con tàu này hạ thủy để xem đánh bắt có hiệu quả không. Nhưng mình tin tưởng, nó sẽ rất có hiệu quả, bởi mình tự bỏ tiền thiết kế theo kinh nghiệm của gia đình và thực tế biển khơi. Ưu thế vượt trội của con tàu vỏ thép này là độ rung lắc giảm. Nếu tàu bình thường cứ 3 giây là nghiêng theo chiều sóng 1 lần thì tàu này đến 6 giây. Sau khi hạ thủy, tàu sẽ đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa bằng nghề lưới rê 3 lớp”.
5 chiếc tàu cỡ lớn vẫn chưa thỏa mãn được khát khao làm giàu của đôi vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng tiếp tục lên kế hoạch đóng thêm một tàu hậu cần có công suất trên 1.000 CV. Tàu sẽ được đầu tư hệ thống cấp đông hiện đại của các nước tiên tiến, trong đó có hệ thống bảo quản cá sống đem về đất liền.
“Tàu này có nhiệm vụ chuyên chở hải sản của các tàu đánh bắt của gia đình về đất liền để bán, đồng thời sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… cho đội tàu của gia đình bám biển dài ngày. Có như vậy, phí tổn mỗi chuyến biển sẽ giảm đi rất nhiều, ngư dân có thể hiện diện nhiều trên biển, vừa làm kinh tế vừa góp phần giữ biển”, chị Thu Hương tâm sự.
Với ý chí làm giàu từ biển và sự tính toán, đầu tư đúng hướng, tin tưởng đôi vợ chồng trẻ Sương – Hương sẽ còn gặt hái nhiều “lộc biển” và góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ