Kinh tế

Nhộn nhịp chợ đầu năm

09:54, 15/02/2016 (GMT+7)

Dù còn đầy ắp bánh trái, thịt chả… của ngày Tết nhưng người dân vẫn có thói quen đi chợ đầu năm để mua bán cầu may hay lễ lộc, cúng quảy. Năm nay, sau Tết, thị trường hàng hóa vẫn dồi dào, các chợ và siêu thị tại Đà Nẵng hầu như chỉ nghỉ Tết 1-2 ngày và phục vụ lại từ rất sớm. Tuy nhiên, không vì thế mà giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm bớt “nóng”, nhất là rau xanh, cá, tôm đồng và đồ cúng…

7 giờ ngày mồng 5, chợ Hòa Khánh đã tấp nập cảnh mua bán.
7 giờ ngày mồng 5, chợ Hòa Khánh đã tấp nập cảnh mua bán.

Ngay từ ngày mồng 2 Tết, các siêu thị BigC, Co.opmart đã mở bán trở lại. Ngoài khu vực vui chơi giải trí đông đúc, khu vực hàng tươi sống được nhiều người nội trợ ghé đến. Trong các giỏ hàng, các loại rau xanh, củ, quả, thực phẩm sơ chế được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Có mặt tại siêu thị Co.opmart sáng mồng 3 Tết, chị Đồng Thị Hải Anh (trú 218, đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) cho hay: “Mấy ngày vừa rồi ở nhà khách khứa nhiều nên thực phẩm trữ sẵn trong tủ lạnh đã vơi đi khá nhiều.

Thịt, cá, giò, chả chừ mọi người cũng ngán rồi, bây giờ đi coi thử có rau, củ, đồ tươi sống mua về làm lẩu, đổi món thôi…”. Nhiều người tiêu dùng tìm đến các siêu thị để chọn thực phẩm cho bữa cơm sau Tết thêm nhiều rau xanh. Khảo sát chung cho thấy, giá cả ở các siêu thị tương đối ổn định dù nguồn hàng về không nhiều như trước Tết. Bên cạnh đó, hàng hóa được bảo quản tốt nên bảo đảm vệ sinh.

Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn thành phố, hoạt động mua bán cũng khá nhộn nhịp từ mồng 3 Tết. Trong lúc tiểu thương các ngành hàng thời trang, lưu niệm, đồ khô vẫn còn nghỉ thì người buôn bán các mặt hàng tươi sống lại tất bật với lượng khách đông đúc. Khu vực xung quanh chợ Hàn như đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học… người mua bán tràn xuống lòng đường.

Tại chợ Hòa Khánh, người bán ngồi ra cả giữa đường Vũ Ngọc Phan, chợ Đống Đa người họp chợ túa ra hai bên đường Lương Ngọc Quyến… Không khí mua bán những ngày sau Tết diễn ra nhanh chóng bởi ai cũng có tâm lý không muốn lằng nhằng trả giá đầu năm. Những mặt hàng đắt đỏ nhất phải kể đến là các loại rau, hành, gia vị như rau muống 12.000 - 15.000 đồng/bó, rau ngót, rau cải 10.000 - 15.000 đồng/bó, xà lách 70.000 đồng/kg, đậu côve 60.000 đồng/kg, su hào 50.000 đồng/kg, súp lơ 100.000 đồng/kg, cải bắp 80.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg.

So với giá trước Tết, mặt hàng rau, củ tăng đáng kể vì nhu cầu tiêu dùng cao. Một số loại cá biển, cá, tôm đồng được giá sau Tết, nhất là cá trê 70.000 đồng/kg, cá lóc 100.000 - 120.000 đồng/kg, cá thu 270.000 - 300.000 đồng/kg, cua cúng 250.000 - 350.000 đồng/kg, thịt bò vẫn ở mức cao 280.000 - 350.000 đồng/kg, riêng thịt heo có giảm so với trước Tết, ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Giá gà ta nguyên con khá đắt vì nhà nhà đều có nhu cầu mua cúng đầu năm. Hiện gà ta cúng vẫn ở mức cao, 150.000 -170.000 đồng/kg. Các loại hoa cúng không tăng giá nhiều, hoa cúc cây 10.000 đồng/cây, hoa lay ơn 30.000 - 40.000 đồng/kg, trầu cau 5.000 đồng/đĩa, mì lá, bún chỉ tăng trên dưới 5.000 đồng/kg so với ngày thường.

Ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, sau Tết, các chuyến hàng về chưa nhiều, giá cước vận chuyển còn cao nên tiểu thương còn ngại đổ hàng. Theo người buôn rau, củ tại các chợ Đà Nẵng, nguồn hàng chủ yếu từ Đà Lạt, phía Nam và phía Bắc đổ về trước Tết, sau Tết là hàng địa phương nhưng số lượng không nhiều. Theo đó, giá cả thực phẩm ở mỗi chợ lớn, nhỏ cũng chênh lệch đáng kể từ 5.000 - 20.000 đồng/kg/loại.

Bài và ảnh: Duyên Anh

.