Kinh tế
Bài cuối: Quản lý đa cấp mới nắm phần ngọn
Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng xảy ra liên tục trong thời gian qua. Tại Đà Nẵng đã có không ít tên tuổi đa cấp bị cơ quan chức năng “sờ gáy” như T.N.M.U, L.P, H.T.Đ… Thế nhưng, công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này lại hết sức bị động.
Việc sai phạm của Công ty Liên kết Việt rồi đây sẽ bị cơ quan chức năng làm rõ và xử lý thích đáng. Tuy nhiên, với những gì đã mất, có lẽ các nạn nhân của công ty này không dễ lấy lại được.
Còn khoảng trống trong quản lý
Theo Sở Công thương thành phố, khi đến hoạt động tại Đà Nẵng, các đơn vị này đều có báo cáo với Sở Công thương. Cụ thể Công ty Liên kết Việt có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (số 006/QLCT-GCN) do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cấp lần đầu ngày 22-12-2014.
Ngày 3-4-2015, Sở Công thương có nhận được thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt do bà Trương Thị Hạc là người liên hệ; hàng hóa đăng ký kinh doanh đa cấp tại địa phương là máy khử độc Ozzone Advanced Great -13 và Ngũ linh Đông trùng Hạ thảo. Ngày 15-4-2015, sở này có văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của công ty này tại thành phố Đà Nẵng.
“Ở góc độ quản lý Nhà nước, khi họ hoạt động trên địa bàn thành phố sẽ kiểm tra họ có đăng ký, có làm đúng thủ tục hay không. Nếu đúng, đủ thủ tục thì mình cho họ hoạt động, còn nếu họ làm sai pháp luật không theo đúng quy chế thì họ phải chịu trước pháp luật”, một cán bộ của Sở Công thương Đà Nẵng nói.
Trong quá trình kiểm tra, sở cũng có những văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện. Vì đây là hình thức bán hàng trực tiếp thông qua truyền miệng nên không thể kiểm soát hết được các thông tin mà những nhà phân phối đưa ra.
Thậm chí khi được hỏi “có quản lý được hết những nhà phân phối của họ nói gì với khách hàng không” thì một vị trưởng chi nhánh ở Đà Nẵng trả lời rằng không thể nắm được. Vì vậy, một số doanh nghiệp, nhà phân phối đã lợi dụng điều này cung cấp thông tin sai lệch về các công dụng của những sản phẩm mà họ bán ra cho khách hàng để mời họ tham gia.
Mặt khác, nhiều người dân do hám lợi, muốn kiếm tiền nhanh nên đã có những hành vi lôi kéo người khác tham gia vào hệ thống mà chủ yếu là những người thân thiết, quen biết… Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng không có nhiều kiến thức về hoạt động đa cấp nên đã tham gia, thậm chí khi trở thành nạn nhân rồi nhưng vì muốn thu hồi vốn, vì lợi nhuận nên đã đi mời gọi, dụ dỗ thêm người khác tham gia và không lên tiếng.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng cho biết đã đề nghị Bộ Công thương điều chỉnh Thông tư 24, nên bổ sung thêm những quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, liên đới khi nhà phân phối của họ nói quá, nói sai về công hiệu của một sản phẩm, sai về quy chế trả thưởng…
Mặt khác, Sở Công thương cũng có nhiều văn bản gửi Công an thành phố, UBND các quận, huyện đề nghị chỉ đạo các cấp vận động tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động đa cấp biến tướng, phối hợp thực hiện, bám sát địa bàn để phát hiện ra những đơn vị sai phạm để xử lý.
Những người tham gia bán hàng đa cấp đều là tự nguyện tham gia, thậm chí nhiều người còn ký vào những bản cam kết tự nguyện tham gia, nên ở góc độ quản lý Nhà nước, sở chỉ có thể xử lý những sai phạm về những vấn đề như nhãn hàng hóa, hóa đơn chứng từ, xuất-nhập kho…
Khó lấy lại tiền?
Hai chi nhánh tại Đà Nẵng gồm Văn phòng đại diện (số 51 Vũ Ngọc Phan, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Đại lý ký gửi hàng hóa Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (số 566 đường 2 Tháng 9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) đã đóng cửa.
Tới thời điểm này, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng trong cả nước vào cuộc điều tra. Chưa ai khẳng định số tiền thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mà công ty này gây ra cho hơn 60.000 nạn nhân trong cả nước, trong đó có Đà Nẵng có thể hoàn lại hay không?
Đứng về góc độ cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Lữ Bằng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thành phố đặt vấn đề, nhiều công ty bán hàng đa cấp hiện nay rất tiêu cực. Đối với hoạt động của Công ty Liên kết Việt cũng vậy, những lời chào mời quảng cáo tham gia đầu tư không rõ ràng, lợi nhuận phi thực tế.
Pháp luật đã quy định 8 quyền mà người tiêu dùng trong nước được bảo vệ, cho nên khi nghe những lời chiêu dụ ngon ngọt, người dân cần phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng hoạt động mà mình muốn tham gia, đừng vì món lợi quá lớn, không đúng với thực tế mà lao theo.
Còn theo Luật sư Phạm Văn Thanh, Phó Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, để quy trách nhiệm trong vụ việc này cần phải xem xét kỹ và cần đợi kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, qua đây có thể thấy trách nhiệm đầu tiên phải là của cơ quan cấp phép, quản lý về loại hình kinh doanh đa cấp.
Đó là Cục Quản lý cạnh tranh và các Sở Công thương. Việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, thờ ơ trong giám sát, không công khai minh bạch là một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ việc. “Nếu Cục Quản lý cạnh tranh công khai thông tin tới các địa phương nơi Công ty Liên kết Việt đang có chi nhánh về việc công ty bị thanh tra và xử phạt thì liệu có chuyện con số nạn nhân có tăng lên 60.000 người không? Như vậy, có thể thấy rằng việc giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa có cơ chế rõ ràng và còn nhiều lỗ hổng, theo tôi cần phải sớm được khắc phục”, ông Phạm Văn Thanh đặt vấn đề.
Tính đến ngày 31-12-2015, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 32 doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông báo hoạt động. Hiện 2 trong số đó là Công ty Liên kết Việt và Tâm Ích Mỹ đã có văn bản của Cục Quản lý cạnh tranh thông báo dừng hoạt động. Cụ thể, ngày 10-3-2016, Cục Quản lý cạnh tranh gửi Thông báo số 110/TB-QLCT về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-QLCT thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006/QLCT-GCN ngày 22-12-2014 đã cấp cho Công ty CP Liên kết sản xuất–thương mại Việt Nam. |
D.Anh - C.Minh - Y.Giang