Kinh tế
Người lao động chưa mặn mà học nghề
Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng vừa có cuộc khảo sát tại 100 hộ (trong đó có 50% là hộ nghèo) ở huyện Hòa Vang theo chuẩn hiện hành của thành phố. Trong đó, đáng chú ý, chỉ 5% số hộ có người tham gia học nghề. Đây là con số đáng suy ngẫm, không chỉ ở Hòa Vang mà của cả thành phố.
Học nghề may ở quận Ngũ Hành Sơn giúp nhiều lao động có việc làm. |
Qua lựa chọn ngẫu nhiên tại 100 hộ nói trên, tỷ lệ hộ có người tham gia học nghề chỉ chiếm 5%. Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo kết quả khảo sát, hiện nay, thanh niên muốn xin làm việc tại các khu công nghiệp thường không cần bằng nghề, chỉ cần tốt nghiệp THPT, THCS, sau đó doanh nghiệp sẽ tự đào tạo trên dây chuyền sản xuất nên họ không mặn mà học nghề.
Ngoài ra, một số lao động lớn tuổi khó tìm được nghề phù hợp để học, trong lúc sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, cơ hội tìm được việc làm phi nông khó khăn. Chị Lê Thị Mỹ (49 tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn), một trong những hộ thuộc diện di dời giải tỏa, là ví dụ.
“Tôi lâu nay chỉ trông vào mấy sào ruộng, chăn nuôi heo để sinh sống. Dù cuộc sống không dư dả nhưng cũng tạm đủ. Bây giờ, sau khi giải tỏa thì rất khó tìm việc, vì lớn tuổi nên khó xin vào làm tại các khu công nghiệp, tôi lại chưa có tay nghề, mà cũng không biết học nghề gì phù hợp”, chị Mỹ thổ lộ.
Được biết, tại quận Ngũ Hành Sơn còn hàng ngàn người trong độ tuổi lao động cần tìm việc phù hợp sau giải tỏa, bởi trước đây họ chỉ quen gắn bó với ruộng đồng. Anh Lê Minh Huy (33 tuổi, ở quận Cẩm Lệ) quan niệm rằng, đi phụ hồ kiếm tiền nhanh hơn, khoảng trên dưới 200.000 đồng/ngày.
“Trước đây, mình học nghề trồng nấm nhưng nấm thường bị hư và giá cả bấp bênh nên chuyển sang nghề phụ hồ để kiếm tiền nuôi vợ con. Làm công nhân trong nhà máy ổn định hơn nhưng phải tuân thủ quy định về giờ giấc”, anh Huy nói.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách về dạy nghề hướng đến người nghèo. Trong 8 năm qua, các đơn vị, địa phương đã đào tạo nghề miễn phí cho hơn 6.700 lao động. Ngoài ra, chương trình khuyến nông được trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, các hội, đoàn thể, địa phương tổ chức hướng dẫn cách làm ăn cho nhiều người nghèo để chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Đồng thời, các phiên giao dịch việc làm cũng được Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tổ chức tại các vùng giải tỏa, di dời để giúp bà con tìm việc. Tuy nhiên, hiện còn nhiều lao động chưa tìm được việc. Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, không ít người lao động sau học nghề phi nông nghiệp được trung tâm dạy nghề giới thiệu việc làm, nhưng sau đó tự bỏ việc với lý do mức lương thấp.
Còn đối với nghề nông thì thực sự hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là hầu hết các lớp dạy nghề nông nghiệp thường gắn với các dự án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cụ thể (như các mô hình trồng hoa, nấm...). Bởi vậy, khi hết dự án hỗ trợ thì một số nghề cũng “mai một” theo. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động nghèo, khó khăn, đặc thù triển khai mức độ thấp, chưa được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng nên hiệu quả chưa cao.
Năm 2016, Đà Nẵng chính thức bắt đầu áp dụng chính sách chuẩn nghèo mới được xác định với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Theo mức chuẩn nghèo mới, mỗi năm Đà Nẵng phấn đấu hỗ trợ từ 400 đến 600 hộ thoát nghèo và đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn mới. Theo thạc sĩ Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), giảm nghèo theo cách hiện nay không phải chỉ là nâng cao thu nhập mà còn giúp họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin...
Như vậy, theo bà Thu, để giảm nghèo đa chiều thì phải đẩy mạnh nhiều hoạt động, trong đó có dạy nghề và hỗ trợ việc làm để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Bài và ảnh: P. TRÀ