Kinh tế
Bài 2: Từ truyền thống gia đình và đam mê
Doanh nhân Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, là con trai của ông Hà Giang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Cẩm Lệ, nguyên Giám đốc công ty. Từ 3 năm nay, do tuổi cao, sức yếu, ông Hà Giang đã giao toàn bộ cơ ngơi Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho Hà Đức Hùng quản lý, điều hành.
Sau 3 năm quản lý công ty, Hà Đức Hùng đã biết phát huy được thương hiệu, cung cách quản lý của công ty để xây dựng doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển. Từ chỗ chỉ có 7 công nhân, đến nay, công ty có gần 50 công nhân với sản lượng và doanh thu tăng gấp nhiều lần 3 năm trước. Hiện Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường là một trong số ít các doanh nghiệp của thành phố có một cơ ngơi bề thế tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm.
Doanh nhân trẻ Hà Đức Hùng tại cơ sở mới đầu tư. |
Anh Hà Đức Hùng cho biết: Tốt nghiệp khoa Điện-Tự động, Trường Đại học Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh năm 2001, đúng vào thời điểm cha anh, ông Hà Giang bị bệnh nhồi máu cơ tim rất nặng. Vì cuộc sống gia đình, anh phải tạm gác ước mơ của mình về thay cha quản lý và điều hành Xưởng cơ khí nhỏ lúc đó khoảng 7 công nhân.
Khởi nguồn anh không biết nhiều về cơ khí, về quản trị sản xuất, về kinh doanh… Động lực lớn nhất lúc đó là phải giúp cha thỏa mãn đam mê nghề cơ khí, đam mê sáng tạo, lo được tài chính cho cả gia đình 5 người con. Từ đó, đam mê nghề cơ khí dần dần lớn lên trong Hùng.
Anh nhận thấy rằng nghề cơ khí là nghề xương sống của các ngành công nghiệp khác, khi đất nước phát triển, hội nhập thì chắc chắn nhu cầu sẽ nhiều hơn. Anh bắt đầu nghiên cứu thị trường như thiết bị cơ khí thủy công cho công trình thủy điện, nhà xưởng công nghiệp, thiết bị phụ trợ cho các nhà máy thép, nhà máy nước, nhà máy xi-măng… và các thiết bị, kết cấu thép phi tiêu chuẩn khác. Với sự cố vấn của cha, anh đã thành công, đưa công ty ngày càng phát triển.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nin Trần là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất hàng lưu niệm do Trần Nguyễn Hồng Thuận, một kiến trúc sư trẻ thành lập. Mặc dù mới ra đời được vài năm, nhưng những sản phẩm lưu niệm du lịch mô phỏng cầu Rồng, Trung tâm Hành chính thành phố... đã được du khách và người tiêu dùng mến mộ.
Anh Thuận cho biết: Sau khi ra trường, làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh một thời gian ngắn, anh quyết tâm trở về Đà Nẵng, với mong muốn sinh sống và phát triển tại quê nhà. Đúng thời điểm này, UBND thành phố và Sở Công thương triển khai chương trình “Phát triển các sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố Đà Nẵng” đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của Thuận.
Từ đó, anh hiện thực hóa ý tưởng của mình và thành lập cơ sở sản xuất các mặt hàng này, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố. Với niềm đam mê và quyết tâm cao, sau một thời gian ngắn, những sản phẩm đầu tiên của Thuận - Công ty Nin Trần - đã được trình làng với sự đón nhận hào hứng của du khách.
Thuận hào hứng khoe, khoảng 2 tháng nữa, Nin Trần sẽ mở một cửa hàng lưu niệm tại số 29 Trần Quốc Toản để đưa sản phẩm của mình đến với du khách. Không những thế, Thuận còn muốn đây sẽ là địa chỉ để những người khởi nghiệp cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, trưng bày và bán sản phẩm cho du khách cũng như quảng bá hình ảnh con người Đà Nẵng tới bạn bè quốc tế.
Năm 2016, Thuận còn ấp ủ dự định mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật làm sản phẩm lưu niệm, khi họ lành nghề thì công ty sẽ thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho họ và giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Đức Thịnh