Kinh tế

Bài học từ tàu vỏ thép Sang Fish 01

07:49, 05/04/2016 (GMT+7)

Sau gần hai năm hạ thủy, tàu vỏ thép Sang Fish 01 - con tàu từng là niềm tự hào của ngư dân miền Trung, chính thức được trả lại cho nhà máy đóng tàu ở Nha Trang. Vậy đâu là nguyên nhân và ngư dân rút ra được bài học gì từ con tàu này?

Đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, cần chú trọng đến thiết kế và đầu tư máy mới, công nghệ hiện đại mới thành công.  Trong ảnh: Tàu vỏ thép đầu tiên đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ được hạ thủy vào tháng 3-2016.
Đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, cần chú trọng đến thiết kế và đầu tư máy mới, công nghệ hiện đại mới thành công. Trong ảnh: Tàu vỏ thép đầu tiên đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ được hạ thủy vào tháng 3-2016.

Qua tìm hiểu, tàu vỏ thép Sang Fish 01 cũng như một số con tàu vỏ thép cùng thời hoạt động không hiệu quả có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó quan trọng là lỗi về thiết kế không phù hợp với thực tế trên biển; đồng thời do ngư dân sử dụng máy cũ, không chịu được sức gió ở biển khơi.

Chị Võ Thị Thu Hương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà- vợ của ngư dân Nguyễn Sương ở Đà Nẵng) cho biết, những con tàu vỏ thép vừa qua ngư dân trả lại cho nhà máy, thực tế lỗi không phải do nhà máy đóng tàu. Lỗi ở đây là khâu thiết kế tàu, do kỹ sư không có kinh nghiệm về đi biển.

“Không có kinh nghiệm biển cả thì lấy gì đủ khả năng hiểu biết mà thiết kế con tàu cho phù hợp với thực tiễn. Công ty đóng tàu chỉ như người xây dựng mà thôi”, chị Hương nói.

Gia đình chị Hương đang đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư dân Nguyễn Sương phải đem “kinh nghiệm biển cả” của mình ra tận Viện Thiết kế hàng hải để yêu cầu thiết kế theo ý của mình. Theo đó, phải làm sao có độ rung lắc ít, phù cabin, mạn thuyền… phải phù hợp với từng nghề.

“Toàn bộ hơn 20 mẫu tàu của Nhà nước cho ra đều không phù hợp, đóng thì phải chỉnh sửa. Bởi vì nó chỉ mang tính tượng trưng cho từng nghề chứ không phù hợp để khai thác thực tế trên biển”, chị Hương nói.

Trong khi đó, một kỹ sư (xin giấu tên) có kinh nghiệm trong thiết kế các loại tàu cho rằng, tàu vỏ gỗ ít lắc ngang nhưng tốn nhiên liệu, còn tàu vỏ thép thì phải có độ rung lắc, nếu không nguy cơ chìm rất cao. Tuy nhiên, kỹ sư này cũng cho rằng, tính năng này dần dần sẽ được khắc phục.

“Một số nước trên thế giới đóng tàu mẫu phải có trường thử, phải đưa vào bể thử. Từ chỗ sóng lặng cho đến gió lớn, từ đó mới nâng cấp độ chịu đựng của tàu. Còn ở Việt Nam không có, phải thử bằng thực tế và... đem ngư dân ra thử”, kỹ sư này nói.

Từ bài học tàu vỏ thép Sang Fish 01, ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, bất cứ một việc làm mới mẻ nào cũng đầy rủi ro, huống chi nghề cá là nghề rủi ro lớn. Nghề cá cũng như bao nhiêu nghề khác đi từ thô sơ, thủ công đến cơ giới hóa rồi hiện đại hóa. Nhưng hiện đại hóa con tàu chưa phải là đủ mà cần phải có công nghệ chuyển giao cho ngư dân.

Nghị định 67 của Chính phủ cũng vậy, chỉ nói đến con tàu. “Đà Nẵng đóng 4 tàu vỏ thép, một tàu đã hạ thủy. Chúng ta phải coi nó có phù hợp không, thử thách mới biết để sau đó tiếp tục điều chỉnh. Sang Fish 01 trả lại tàu nhưng ngư dân Lê Văn Sang vẫn đang đóng con tàu lớn hơn thì không hẳn nói là thất bại….”, ông Lĩnh nói và cho rằng tại sao chúng ta không du nhập công nghệ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… để từ đó chuyển giao cho ngư dân làm chủ công nghệ.

Trong khi đó, ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu Sang Fish 01 khẳng định, con tàu này là một bài học kinh nghiệm lớn để mình đóng những con tàu vỏ thép tiếp theo phù hợp, hiện đại hơn. “Trong quá trình đánh bắt trên con tàu Sang Fish 01, chúng tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm.

Do đó, tôi đã vận dụng để đóng con tàu mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, trị giá 21 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi chú trọng đến khâu thiết kế phù hợp với ngành nghề trên biển; đồng thời đầu tư máy móc mới, hiện đại, có hệ thống chế biến nước biển thành nước đá. Tôi tin chắc, tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ sẽ thành công”, anh Sang khẳng định.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.