Kinh tế
Đà Nẵng sẽ có biện pháp giúp ngư dân bán cá
ĐNĐT - Chiều 29-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng có buổi đối thoại với các chủ tàu, tiểu thương, đầu nậu trên địa bàn thành phố để giải tỏa tâm lý lo lắng trước việc cá chết dọc các tỉnh miền Trung.
Nhiều ngư dân lo lắng khi cá nhập về tươi roi rói mà không ai dám mua dù giá giảm hơn một nửa. |
Ngư dân, đầu nậu, tiểu thương lo lắng
Việc cá chết do nhiễm độc dọc biển miền Trung khiến không ít người dân Đà Nẵng lo lắng. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho cho ngư dân, tiểu thương và các chủ nậu. Ông Nguyễn Văn Tiên (tiểu thương bán cá nục) buồn bã khi cá nhập về tươi roi rói mà không ai dám mua dù giá giảm hơn một nửa. “Tình trạng này kéo dài thì tàu thuyền không dám ra khơi”, ông Tiên nói.
Bà Nguyễn Thị Truyền (tiểu thương chợ hải sản Thọ Quang) cho biết, hơn 40 năm bán cá nhưng chưa từng thấy chuyện tương tự xảy ra. Trước đây mỗi ngày bà bán từ 5 đến 7 tạ cá, nay cả ngày bán chưa hết một tạ dẫu rằng cá được nhập từ tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ, rất chất lượng.
Ngư dân Nguyễn Văn Chính (quận Sơn Trà) cho rằng, các cơ quan chức năng Trung ương phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá nhiễm độc ở những địa phương khác. Khi biết được nguyên nhân rõ ràng mới có thể thuyết phục được người tiêu dùng tin dùng vào nguồn hải sản.
Đại diện ngư dân Quảng Ngãi, bà Huỳnh Thị Thúy Vân (chủ tàu QNg 94434) cho biết, trong chuyến vươn khơi vừa rồi, cá về đầy khoang nhưng gia đình bà lại rất buồn bởi không biết bán cho ai khi tiểu thương, đầu nậu nhất quyết không nhập cá. Hiện tại, gia đình bà đã cho 4 tàu nằm bờ. Nếu tình trạng này kéo dài thì bạn thuyền sẽ bỏ nghề, ngư dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Nhiều ngư dân khẳng định rằng, nếu người dân tiếp tục quay lưng với nguồn hải sản thì ngư dân sẽ bỏ biển.
Tiểu thương, ngư dân, đầu nậu đều lo lắng trước thông tin cá chết |
Chưa phát hiện cá chết trên biển xa
Khác với tâm lý của ngư dân, tiểu thương và một số đầu nậu nhỏ lẻ, ông Nguyễn Văn Chín (Giám đốc công ty thủy sản Bắc Đẩu) cho biết, công ty vẫn nhập cá của ngư dân bình thường theo giá thị trường, chất lượng và sản lượng không hề giảm. Ông Chín đề nghị bà con không đánh bắt ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế cách bờ chừng 30 hải lý. Theo ông Chín, từ 30 hải lý trở ra là khoảng cách an toàn và là biện pháp để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Trước những lo lắng của ngư dân, tiểu thương, đầu nậu, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng thông tin đến bà con ngư dân về kết quả xét nghiệm mẫu nước biển đạt tiêu chuẩn an toàn do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hôm 27-4. “Bà con yên tâm đánh bắt, buôn bán và thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng. Thành phố Đà Nẵng sẽ có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con”, ông Tám khẳng định.
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản Đà Nẵng thông tin thêm, thời gian qua Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thường xuyên tuần tra và chưa phát hiện cá chết ngoài khơi, vì vậy ngư dân Đà Nẵng có thể yên tâm đánh bắt, người tiêu dùng cũng nên tin tưởng để chọn dùng.
Cũng theo ông Tứ, Chi cục đã có mẫu kê khai nguồn gốc xuất xứ thủy, hải sản nhập vào, bán ra và đề nghị tiểu thương, các chủ nậu thực hiện cam kết, sau đó sẽ cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng nắm bắt thông tin xuất xứ. “Khi các sản phẩm được minh bạch, người tiêu dùng sẽ trở lại với nguồn hải sản”, ông Tứ tin tưởng.
Ông Nguyễn Đỗ Tám cũng thông tin cho bà con ngư dân, tiểu thương biết các ngành chức năng sẽ thường xuyên lấy mẫu nước biển để xét nghiệm và cung cấp cho người tiêu dùng hằng ngày. Vì vậy, các ngư dân có thể yên tâm ra khơi đánh bắt tại các vùng biển an toàn như Hoàng Sa, Trường Sa để có nguồn hải sản chất lượng, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ