.

Hướng tới nền nông nghiệp tiên tiến

.

Đưa các thiết bị công nghiệp vào phục vụ sản xuất nông nghiệp được ngành nông nghiệp Đà Nẵng triển khai nhiều năm nay. Sản xuất rau xanh, hoa tươi trong nhà lưới đã khắc phục được tình trạng bị khô héo khi thời tiết nắng nóng gay gắt, hoặc bị dập nát khi mưa to, đồng thời hạn chế dịch bệnh từ môi trường. Tưới bằng hệ thống vòi phun xoay tự động vừa tiết kiệm nước, vừa đảm bảo độ ẩm thích hợp, đỡ tốn thời gian, công sức người trồng. Nhờ vậy, các loại rau, hoa vừa phát triển nhanh, vừa ít bị sâu bệnh gây hại.

Tại vườn hoa Mokara của anh Nguyễn Xuân Hùng.
Tại vườn hoa Mokara của anh Nguyễn Xuân Hùng.

Dù còn một số hạn chế, nhưng dự án “Nâng cao chất lượng nông sản và chương trình khí sinh học” (QSEAP) phát huy tác dụng kích thích nông dân làm quen với sản xuất công nghệ cao. Đến khu vực 3ha do Công ty TNHH Tâm An triển khai tại vùng rau sạch Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, chứng kiến những giàn khổ qua, dưa leo... trĩu quả, càng thấy việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hết sức cần thiết. Bật công tắc điện, hàng trăm vòi phun xoay đồng loạt xả ra làn nước mỏng như sương.

Kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Bảo Ngà, chịu trách nhiệm về kỹ thuật tại vùng rau này cho biết: Trồng rau nhà lưới có nhiều lợi ích, như khi mới xuống giống, cây không bị nắng nóng làm khô héo, lúc mưa to cây không bị dập nát lá; hệ thống vòi phun xoay tưới đều, tạo độ ẩm thích hợp lại đỡ tốn công sức; rau ít bị sâu bệnh gây hại, chất lượng cao hơn hẳn so với sản xuất tại môi trường tự nhiên; người sản xuất được ở trong môi trường râm mát. Lâu nay, vùng rau này sản xuất 2 lứa/năm. Mỗi lứa khổ qua thu 30 tấn/ha, dưa leo thu 40 tấn/ha.

Mô hình trồng lan cắt cành Mokara của anh Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) thực sự là nơi ứng dụng công nghệ cao hoàn thiện trong trồng hoa ở Đà Nẵng. Trên khu đất 1.000m2, anh Hùng đầu tư 1,7 tỷ đồng (trong đó 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của thành phố) xây dựng khu sản xuất hoa bài bản. Xung quanh xây tường cao cách biệt với khu vực bên cạnh để hạn chế việc xâm nhập sâu bệnh từ bên ngoài vào. Tại đó, 10.000 cây phong lan Mokara trồng có hàng, có lối trên nền vỏ đậu phụng. Mỗi cây được cố định bởi 1-2 ống nước làm trụ. Phía trên, sát mái nhà lưới là hệ thống tưới bằng vòi phun xoay tự động.

Chủ vườn lan giống nhập ngoại này cho biết đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng cây giống, trồng từ đầu năm ngoái. Trong môi trường râm mát, tưới theo chế độ tự động, cây phát triển rất tốt. Hai tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Dự tính  mỗi tháng bán hoa lan thu về khoảng 70 triệu đồng...

PIC là giống heo của Hoa Kỳ, chất lượng thịt trong nhóm hàng đầu thế giới hiện nay. Con nái mẹ sau 18 tháng tuổi, trọng lượng trên dưới 400kg. Heo thịt khi xuất chuồng cỡ 150-180kg/con. Anh Nguyễn Duy Tuấn, ở thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) là người đầu tiên ở Đà Nẵng nhập giống heo này về nuôi. Để phù hợp với môi trường, anh xây chuồng trại theo kiểu nhà ở, tường kín và lắp đặt hệ thống máy lạnh đảm bảo nhiệt độ luôn ổn định mức từ 19-220C. Heo nhốt trong chuồng lồng trên bệ xi-măng cao hơn nửa mét. Vào khu vực nuôi heo, không hề cảm nhận có mùi hôi, không gian mát lạnh. Đây là mô hình nuôi heo nhập ngoại, công nghệ cao thuộc loại tiên tiến nhất hiện nay ở Việt Nam.

Anh Tuấn đã đầu tư 1,8 tỷ đồng xây chuồng trại, lắp đặt máy móc, trang thiết bị và con giống. Lứa đầu tiên nhập về 20 nái mẹ, đã sinh sản 3 lứa. Năm 2015, anh cho xuất chuồng bán, thu về hơn 600 triệu đồng, lãi ròng trên 200 triệu đồng. Vừa qua, nhiều đoàn cán bộ nông nghiệp trong nước và Thái Lan đến tham quan đều cho rằng, mô hình công nghệ nuôi heo trong phòng lạnh rất tiên tiến, heo ít bị nhiễm bệnh. Nên chăng, thành phố Đà Nẵng nhân rộng mô hình phát triển trang trại nuôi heo bằng công nghệ cao vừa hiệu quả kinh tế cao vừa bảo đảm nguồn cung heo nái và heo thịt cho thị trường.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.