.
Siết chặt cho vay ngoại tệ

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, từ ngày 31-3, các ngân hàng thương mại chấm dứt không cho doanh nghiệp (DN) vay ngoại tệ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Quyết định này đã khiến không ít DN lo lắng.

Việc siết chặt vay ngoại tệ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó.
Việc siết chặt vay ngoại tệ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó.

Việc siết chặt cho vay ngoại tệ đối với nhóm DN xuất khẩu qua biên giới sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, theo các DN, nhất là các DN xuất khẩu, việc quy định trên khiến các DN đã khó khăn càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho rằng, các DN Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt với hội nhập sâu của nền kinh tế. Họ vốn dĩ đã yếu, nay phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường bên ngoài nên rất cần Chính phủ có những chính sách, giải pháp giúp họ đứng vững.

Đồng ý đây là một chủ trương đúng, song, trong tình hình kinh tế hiện nay, việc siết chặt vay ngoại tệ sẽ khiến DN khó khăn, vì lãi suất vay VNĐ cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay USD.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đông Nguyên bức xúc: “Đồng ý là chủ trương ra đời thì DN phải chấp hành. Song, việc đưa ra chủ trương và để nó đi vào thực tiễn cũng phải cho DN một khoảng thời gian để chuẩn bị và có phương án xoay xở nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Chủ trương đưa ra đã gấp gáp mà thông tin về những chủ trương, chính sách còn không được phổ biến rộng rãi khiến cộng đồng DN bị động. DN mong muốn có sự ổn định, vì vậy, họ sẽ rất mệt mỏi nếu cứ “chạy theo” sự thay đổi liên tục về các chính sách, chủ trương của Chính phủ, NHNN”.

Đại diện nhiều DN khác cũng nhìn nhận, nếu không được vay ngoại tệ, chắc chắn DN sẽ phải vay VNĐ, điều này khiến nhu cầu tiền đồng tăng lên, mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Khi đó, kéo theo chi phí vốn tăng khiến giá thành hàng xuất khẩu tăng, và từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN.

Ngày 8-12-2015, NHNN ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định các ngân hàng thương mại xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như cho vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31-3-2016. Điều này có nghĩa, từ sau ngày 31-3, việc cho vay bằng ngoại tệ sẽ chấm dứt đối với DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới.

Việc thắt chặt cho vay ngoại tệ sẽ khiến DN xuất khẩu gặp khó, tuy nhiên, theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng, việc siết cho vay ngoại tệ là cần thiết. Ông Minh cũng nhấn mạnh, NHNN không phải “đi lo” mãi cho DN, vì vậy, đối với nhóm DN không được vay ngoại tệ trên thì DN cần có kế hoạch giảm chi phí sản xuất để bù vào phần chi phí tăng lên khi phải vay bằng VND để ổn định sản xuất, kinh doanh cho DN mình. Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đồng tình với chủ trương. Vì vậy, việc siết chặt cho vay ngoại tệ này cũng có lợi cho thị trường ngoại hối.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.