.

Thiếu thông tin thị trường lao động

.

Thị trường lao động tại Đà Nẵng đang “khát” thông tin về việc làm một cách đầy đủ, nhất là thông tin có tính dự báo để phục vụ việc đào tạo nhằm đáp ứng nguồn cung phù hợp.

Chợ việc làm tại Đà Nẵng là nơi kết nối cho nhiều lao động tìm được việc.
Chợ việc làm tại Đà Nẵng là nơi kết nối cho nhiều lao động tìm được việc.

Tại Đà Nẵng, hiện nay, để có thể tìm kiếm thông tin về cung, cầu việc làm, nhiều người lao động chọn cách vào trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm), hoặc tham gia các phiên giao dịch việc làm do đơn vị này tổ chức.

Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, thực tế, thông tin về lao động, việc làm tại đây chủ yếu chỉ mang tính góp nhặt, phụ thuộc vào các doanh nghiệp đến đăng ký và người lao động đến tìm việc chứ chưa thể mang tính bao quát nhu cầu toàn thành phố.

“Hiện chưa có một cơ chế nào ràng buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp cơ bản nhu cầu lao động để có cơ sở dữ liệu cân đối và dự báo về cung - cầu lao động. Số doanh nghiệp đến đăng ký với chúng tôi chỉ chiếm chưa đến 30% doanh nghiệp toàn thành phố”, ông Diệp nói.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp lớn với nhu cầu tuyển lao động nhiều tại các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng thường chủ yếu tự tuyển, với hình thức treo băng-rôn tuyển dụng trước đơn vị hoặc thông báo trên báo, đài chứ chưa tham gia các phiên giao dịch việc làm.

Đà Nẵng hiện có 7 cơ sở dịch vụ việc làm (4 cơ sở công lập, 3 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, lớn nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng với hoạt động tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ 3 phiên/tháng và đảm nhận thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm.

Ngoài ra, Hội LHPN, Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng... cũng có trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc. Các trung tâm thuộc các đơn vị khác nhau hoạt động tự thân, chưa xâu đầu mối nên chưa có thông tin bao quát về thị trường lao động toàn thành phố.

Trong khi đó, các trường cao đẳng, đại học, trường nghề cứ đào tạo theo chỉ tiêu và theo số lượng thí sinh đăng ký, căn cứ vào cơ số giảng viên, cơ sở vật chất sẵn có của trường mà tuyển. Tuyển xong, học viên, sinh viên ra trường thì xem như... hết nhiệm vụ.

Bởi vậy, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn diễn ra. Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức, nhiều ngành nghề luôn “khát” lao động như: thợ cơ khí, thợ hàn, công nghệ thông tin.

Trong khi đó, lao động ở các ngành như: tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... rất khó tìm được việc. Trường hợp chị Nguyễn Mai Ngân (28 tuổi, quê ở Quảng Nam) là một ví dụ. “Mình học đại học chuyên ngành kế toán ra trường mấy năm mà vẫn chưa xin được việc. Đi đâu nộp hồ sơ họ cũng bảo đủ người rồi nên đành làm công việc bưng bê, rửa chén tại nhà hàng”, chị Ngân thổ lộ.

Hiện nay, thông tin có tính cập nhật, chuẩn xác về tình hình thất nghiệp, lao động, việc làm, thị trường lao động, dự báo tình hình nhu cầu nhân lực theo ngành, theo nghề, theo trình độ để đào tạo theo nhu cầu của xã hội; định hướng cung - cầu lao động vẫn còn là khoảng trống tại Đà Nẵng.

“Thông tin hiện nay vẫn chưa đầy đủ và chưa có dự báo ngắn hạn, trung hạn làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá các đặc trưng và biến động của quan hệ cung - cầu sức lao động để phục vụ công tác kế hoạch hóa đào tạo chung cho toàn bộ hệ thống cũng như từng cơ sở đào tạo”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết.

Trong khi đó, theo ông An, các doanh nghiệp ở thành phố chưa tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nghề; chưa có trường nghề trong các doanh nghiệp lớn. Phần lớn doanh nghiệp chỉ tuyển dụng nguồn lao động đã có sẵn trên thị trường, nên đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu việc làm của xã hội.

Ông An cho rằng, phải quy hoạch mạng lưới dịch vụ việc làm, xây dựng hệ thống dịch vụ việc làm hiệu quả, đáp ứng được công tác thu thập xử lý thông tin, kết nối cung cầu, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động.

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phát triển thông tin thị trường lao động thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020. Đây được xem là động thái tích cực nhằm dự báo nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp, đơn vị, giúp các cơ sở đào tạo nghề định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và người lao động biết để có định hướng cho mình.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.