.

Ngư dân tự tin vươn khơi

.

* Người tiêu dùng an tâm mua cá sạch

Sau những nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng các sở, ngành và quận, huyện, sáng 3-5, cá sạch được bán tại 50 điểm chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với số lượng 4 tấn cá ngừ, cá chuồn. Trong khi đó, ngư dân tự tin tiếp tục vươn khơi đến vùng biển an toàn để đánh bắt, mang về cá sạch.

Người tiêu dùng mua cá ngừ tại các điểm bán cá sạch. Ảnh: NGỌC PHÚ
Người tiêu dùng mua cá ngừ tại các điểm bán cá sạch. Ảnh: NGỌC PHÚ

Cá sạch đã về các chợ

Sáng 3-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thông qua Hợp tác xã (HTX) Hải Nhi vận chuyển cá đến các điểm đăng ký bán cá sạch tại các chợ. Có mặt tại chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà) lúc 5 giờ 30, chúng tôi thấy có hai tiểu thương đăng ký bán đã dọn sạp sạch sẽ để chờ cá vận chuyển đến. Một lát sau, 4 khay cá (mỗi khay chừng 10kg) được chuyển vào sạp cá. Những con cá ngừ tươi ngon, xanh mướt nằm gọn ghẽ tại các khay cá, hấp dẫn nhiều người mua.

Tiểu thương Đặng Thị Thảo nhanh nhảu bán cá khi các bà nội trợ đến hỏi mua. Từng lát cá ngừ tươi ngon được cắt ra cân cho người tiêu dùng. “Bọn tôi đã nghỉ bán cách đây mấy hôm rồi vì người tiêu dùng lo lắng, không dám mua cá, nhưng giờ thì được thành phố hỗ trợ bán cá sạch nên yên tâm. Đây là cá được kiểm định chất lượng, nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm nên người dân sẽ tin dùng”, chị Thảo vui mừng nói. Chỉ trong vòng 30 phút, có khá nhiều người dân đến mua hải sản. Giá bán được HTX Hải Nhi công bố 35.000-37.000 đồng/kg.

Tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu), có khá nhiều tiểu thương bán cá sạch. Sau gần một giờ, bà Nguyễn Thị Lượm đã bán hết một khay cá ngừ chừng 10kg. “Mọi người đọc báo, xem ti-vi thấy lãnh đạo thành phố mình triển khai quyết liệt các giải pháp để làm yên lòng dân như tắm biển, ăn hải sản, rồi thành lập các điểm bán cá sạch, người dân rất yên tâm nên tìm đến mua cá về ăn. Chỉ một giờ đồng hồ, tôi đã bán được rất nhiều cá”, bà Lượm chia sẻ.

Sáng 3-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trực tiếp đến kiểm tra hai điểm bán cá tại chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà) và Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu), ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các ngành chức năng, đồng thời động viên các tiểu thương yên tâm bán cá và kêu gọi người dân mua cá để ăn hằng ngày. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng và lãnh đạo các sở, ngành, quận Sơn Trà, quận Hải Châu cũng mua cá về sử dụng. Điều này đã giúp người tiêu dùng an tâm, tin tưởng.

Chuẩn bị vươn khơi.
Chuẩn bị vươn khơi.

Bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng

Ghi nhận tại các chợ, từ ngày 2-5, tâm lý người dân đã có sự thay đổi hẳn sau những nỗ lực của chính quyền thành phố và các sở, ngành, nên chọn hải sản đưa vào thực đơn hằng ngày. Có mặt tại chợ Thanh Khê 1 (quận Thanh Khê), bà Nguyễn Thị Nhung cắm cúi lựa mua cá nục. Những con cá nục tươi ngon được ngư dân đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa về.

“Thông tin cá chết khiến dân chúng tôi lo lắng lắm. Dù biển Đà Nẵng sạch, an toàn nhưng do tâm lý lo sợ nên không dám ăn. Mấy hôm nay, lãnh đạo thành phố mình tích cực trấn an dân, nên gia đình cũng yên tâm và trở lại với cá. Bữa ăn mà không có cá thì thiếu chất dinh dưỡng”, bà Nhung nói.

Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) dùng hải sản trở lại hai ngày nay. Sáng 3-5, chị đến chợ từ rất sớm để mua cá sạch do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp cho tiểu thương. Mua một con cá lớn nặng 2kg, chị Thảo tâm sự: “Mấy ngày nay thiếu chất cá rồi. Bây giờ gia đình phải ăn bù thôi”. Ngoài điểm cá sạch do thành phố triển khai, các tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương đã quay lại bán cá và người tiêu dùng cũng mạnh dạn mua.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng, ngoài các điểm bán cá sạch do thành phố triển khai, quận cũng tiến hành các giải pháp kiểm soát, đồng thời nhắc nhở tiểu thương lựa chọn cá bảo đảm nguồn gốc để bán.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố cho biết, sau khi thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về bán cá sạch tại các chợ, sở đã tiến hành kiểm định chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm bảo đảm, sau đó thông qua HTX Hải Nhi để đưa đến các chợ. Ngoài ra, sở cũng đã kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc cá bằng việc phát sổ cập nhật hành trình cho ngư dân; đồng thời thông qua hệ thống định vị để kiểm tra, kiểm soát ngư dân đánh bắt tại ngư trường; nhắc nhở ngư dân không đánh bắt tại các vùng biển không an toàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đánh giá cao các ngành chức năng, UBND các quận, huyện trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như tích cực kiểm soát chặt nguồn hải sản; tìm nguồn cung ứng cá sạch, các điểm bán cá; kiểm định chất lượng hải sản, vệ sinh môi trường. “Thành phố sẽ duy trì các điểm bán cá an toàn thường xuyên và lâu dài. Sau này, không chỉ có cá sạch mà sẽ nhân rộng ra các sản phẩm sạch khác… Đề nghị Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm soát nguồn hải sản về bờ; tiến hành kiểm định chất lượng trước khi đưa xuống cho các tiểu thương để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Ngư dân vươn khơi đánh bắt cá sạch

Tối ngày 2 và sáng 3-5, nhiều tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang) vươn khơi đánh bắt hải sản sau khi chính quyền thành phố triển khai hàng loạt giải pháp để bảo đảm nguồn hải sản sạch cho người tiêu dùng.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ đá, nhiên liệu, thực phẩm cho một chuyến biển dài hơn 10 ngày, ngư dân Trần Văn Nở, tàu ĐNa 90457 nhanh chóng cho tàu ra khơi. Ông Nở cho biết, chuyến biển này sẽ khai thác tại vùng biển Hoàng Sa với nguồn hải sản chính là cá ngừ, cá thu…

“Vừa qua chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều từ vụ cá chết. Nhưng khi thành phố đã có những quyết sách làm an dân, giảm bớt lo lắng cho tiểu thương, người tiêu dùng, cũng như có những động thái động viên, hỗ trợ ngư dân, chúng tôi cũng yên tâm. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm ra khơi bám biển, làm kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền”, ông Nở chia sẻ.

Trước đó, vào tối 2-5, tàu QNg 98536 cũng đã nổ máy ra khơi hành nghề lưới rê. Thuyền trưởng Nguyễn Quốc Thái cho biết: “Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng không quay lưng với hải sản. Ngư dân chúng tôi đa phần đánh bắt tại các ngư trường xa, không ảnh hưởng bởi cá chết dọc bờ biển như vừa qua”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty Thủy sản Bắc Đẩu cho biết vẫn nhập cá của ngư dân bình thường theo giá thị trường, chất lượng và sản lượng không hề giảm. Ông Chín đề nghị bà con ngư dân phải đánh bắt tại các ngư trường an toàn, đặc biệt là các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để mang về hải sản chất lượng, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Được biết, hiện nay, các phương tiện ra khơi đều được Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố kiểm soát rất chặt chẽ. Ông Nguyễn Phú Ban cho biết, ngoài cấp phát sổ hành trình nhật ký thì các tàu, thuyền được lực lượng chức năng kiểm soát bằng hệ thống định vị. Sở NN&PTNT cũng như lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt tại các vùng biển không bị ảnh hưởng từ vụ cá chết dọc biển miền Trung với mong muốn là những chuyến tàu về đầy cá có chất lượng, bảo đảm an toàn để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ, động viên tiêu thụ hải sản

Chiều 30-4, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trực tiếp kiểm tra tình hình, trao đổi với ngư dân, tiểu thương về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hải sản tại Cảng cá Thọ Quang. Chủ tịch UBND thành phố giao Chánh Văn phòng UBND thành phố chỉ đạo bộ phận nhà ăn tại Trung tâm Hành chính thành phố sử dụng hải sản để chế biến các món ăn phục vụ cán bộ, công chức ăn trưa, thời gian thực hiện ít nhất 1 tuần kể từ ngày 5-5, khuyến khích thực hiện đến khi tình hình tiêu thụ hải sản của ngư dân Đà Nẵng trở lại bình thường; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tiêu thụ sản phẩm hải sản có nguồn gốc, xác nhận bảo đảm an toàn của Sở NN&PTNT.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản trên địa bàn thành phố bàn biện pháp đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản; yêu cầu các doanh nghiệp không được lợi dụng tình hình để ép giá, gây khó khăn cho bà con ngư dân; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền đến ngư dân tuyệt đối không đổ cá chết xuống sông, biển gây ô nhiễm nguồn nước, tạo tâm lý hoang mang dư luận xã hội...

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, chiều 1-5, các sở, ngành, quận, huyện đã chọn được 50 điểm bán cá sạch. Cá sạch do Sở NN&PTNT cung cấp; khi không bán hết, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi, không để tiểu thương chịu thiệt hại.

Trong các ngày nghỉ lễ vừa qua, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành, địa phương đi tắm biển để chứng minh việc cơ quan chức năng công bố nước biển Đà Nẵng đang ở ngưỡng an toàn; đồng thời tổ chức ăn hải sản do ngư dân đánh bắt, được chế biến ngay tại Cảng cá Thọ Quang và tham gia tiệc ẩm thực hải sản cùng với người dân và du khách do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức…

4 tấn cá sạch bán hết trong ngày đầu

Chiều 3-5, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, 4 tấn cá sạch được phân về 50 điểm chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào sáng cùng ngày đã được người tiêu dùng mua hết. Giá bán cá ngừ từ 35-37 nghìn đồng/kg. Được biết, cho đến chiều cùng ngày, số lượng tiểu thương tại các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đăng ký để bán cá sạch theo chủ trương của UBND thành phố đã tăng lên rất nhiều. Theo ông Phương, ngày 4-5, tùy thuộc vào lượng tàu cập cảng mà sẽ xem xét số lượng cá phân về cho các điểm bán cá. Với việc cá sạch trong ngày đầu bán hết sẽ là một tín hiệu vui cho những ngày sắp tới, ngư dân cũng sẽ tự tin vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.