.

Tự tin vươn khơi

.

ĐNĐT - Tối ngày 2 và sáng 3-5, nhiều tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang) căng buồm ra khơi mang theo nhiều hy vọng. Những ngư dân này vừa qua bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, trước những động thái tích cực của chính quyền thành phố Đà Nẵng, ngư dân đã tự tin ra khơi.

Các ngư dân chuẩn bị đá, lương thực thực phẩm cho chuyến biển mới
Các ngư dân chuẩn bị đá, lương thực, thực phẩm cho chuyến biển mới

Sáng 3-5, sau khi chuẩn bị đầy đủ đá, nhiên liệu, thực phẩm cho một chuyến biển dài hơn 10 ngày, ngư dân Trần Văn Nở, tàu ĐNa 90457 nhanh chóng cho tàu ra khơi. Ông Nở cho biết, chuyến biển này sẽ khai thác tại vùng biển Hoàng Sa với nguồn hải sản chính là cá ngừ, cá thu… “Khi thành phố đã có những quyết sách an dân, giảm bớt lo lắng cho tiểu thương, người tiêu dùng cũng như động viên, hỗ trợ ngư dân, chúng tôi quyết tâm ra khơi bám biển làm kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền”, ông Nở nói.

Cũng trong sáng cùng ngày, tàu ĐNa 90670 của ông Nguyễn Văn Dưỡng cũng ra khơi với niềm tin hải sản đánh bắt vào sẽ được tiêu thụ hết, giá cả ổn định hơn so với thời gian qua.

Bốn chiếc tàu của gia đình anh Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) mấy ngày qua cũng vươn khơi đánh bắt tại khu vực Vịnh Bắc Bộ. “Đây là khu vực biển an toàn, cá chất lượng nên chúng tôi tự tin khi cung ứng cho các nhà máy, các đầu nậu”, chị Hương, vợ ngư dân Nguyễn Sương chia sẻ.

Trước đó, vào tối 2-5, tàu QNg 98536 cũng đã nổ máy ra khơi hành nghề lưới rê. Thuyền trưởng Nguyễn Quốc Thái cho biết, tàu đã nằm bờ nhiều hôm vì cá đánh bắt vào tiêu thụ khó. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, người tiêu dùng đã sử dụng cá trở lại nên anh em thuyền viên tự tin cho tàu vươn khơi tại khu vực biển Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Văn Chín (Giám đốc Công ty thủy sản Bắc Đẩu) cho biết, công ty vẫn nhập cá của ngư dân bình thường theo giá thị trường, chất lượng và sản lượng không hề giảm. Ông Chín đề nghị bà con ngư dân phải đánh bắt tại các ngư trường an toàn, đặc biệt là các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để mang về hải sản chất lượng, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Tại Cảng cá Thọ Quang, ghi nhận của chúng tôi hai ngày qua không khí không còn u buồn như trước. Trên các cầu cảng số 1, 2, 3, một số tàu vào bán cá ngừ, cá nục cho các thương lái. Ngư dân cũng khẩn trương vá lưới, sửa chữa lại các thiết bị. Nhiều tàu ghé vào bốc đá tại các nhà máy đá Sơn Trà, Văn Thông, tiến hành bơm dầu, đưa thực phẩm, gạo để chuẩn bị cho chuyến biển mới của mình.

Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, hai ngày nay các tàu, thuyền đã dần hoạt động trở lại, ngư dân đã trở lại biển khơi. Trên cầu cảng, hằng ngày các tàu, thuyền đã vào bán cá.

Lãnh đạo Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang thông tin thêm, từ tối ngày 2-5 đến khoảng 9 giờ ngày 3-5, có gần 30 phương tiện ra khơi, trong đó Đà Nẵng gần 10 phương tiện, còn lại là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Bên cạnh việc cấp phát sổ hành trình nhật ký thì các tàu, thuyền được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống định vị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt tại các vùng biển không bị ảnh hưởng từ vụ cá chết dọc biển miền Trung.

Mong muốn cao nhất của ngư dân và các ngành chức năng là những chuyến tàu cá về đầy khoang, cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn, từ đó, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với hải sản.

NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.