Kinh tế
Doanh nghiệp cần sự thay đổi từ chính quyền
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về vốn, mặt bằng, đổi mới công nghệ, xúc tiến đầu tư… Nhân sự kiện lãnh đạo thành phố đối thoại với đại diện các doanh nghiệp trong ngày 24-6, phóng viên Báo Đà Nẵng gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói từ các nhà quản lý doanh nghiệp.
Bài 1: Xây dựng chính sách mới cho doanh nghiệp
Thay đổi chính sách trong hỗ trợ đổi mới công nghệ, bảo đảm mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, có giải pháp mới cho thúc đẩy phát triển du lịch… là những vấn đề mà doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét, xử lý, để từ đó tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Chọn lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ đổi mới công nghệ
Mức hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp hiện nay còn khiêm tốn và chậm triển khai. Ảnh: Khánh Hòa |
Trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp... Tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, thu hút các sáng tạo mới. Tuy nhiên, theo ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Tổng Giám đốc Công ty Giày BQ, mức hỗ trợ còn quá ít, phần lớn đều dưới 1 tỷ đồng, chưa thực sự mang lại những thay đổi mạnh mẽ cho doanh nghiệp.
Ông Hải cho rằng, với nguồn kinh phí còn hạn chế như hiện nay, thay vì hỗ trợ dàn trải thiếu hiệu quả, thành phố nên chọn ra một số lĩnh vực ưu tiên, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu như cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, các ngành dịch vụ tiên tiến…; đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn đầu tư lớn ở trong và ngoài nước về đổi mới công nghệ.
Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, ông Hà Đức Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho rằng, đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp hình thành nên mô hình sản xuất hiện đại. Nếu không đầu tư công nghệ mới thì không đủ năng lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai nguồn tiền hỗ trợ đến doanh nghiệp còn chậm, hầu như chưa doanh nghiệp nào thụ hưởng được chính sách này. Nếu chờ đợi thì mất cơ hội, nếu đầu tư thì sẽ rủi ro nên nhiều doanh nghiệp phân vân chưa dám đầu tư vốn trong vào đổi mới công nghệ.
Doanh nghiệp đóng tiền thuê mặt bằng hằng năm
Một trong những vướng mắc lớn hiện nay của nhiều doanh nghiệp là không tìm được mặt bằng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo bà Lê Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục tiểu học và THCS Chất lượng cao Sky-line, doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê hay sở hữu mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Bà Nam Phương phân tích: “Hiện nay, thành phố thường áp dụng hình thức cho doanh nghiệp thuê đất với quy định trả tiền một lần với giá khá cao.
Với doanh nghiệp, để ổn định sản xuất kinh doanh, họ thường phải thuê một khu đất như vậy trung bình từ 20 thậm chí 50 năm và số tiền phải bỏ ra để trả tiền thuê một lần thực sự trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong khi đó, một nghịch lý đang tồn tại là doanh nghiệp thì thiếu mặt bằng còn thành phố có đất nhưng không khai thác nguồn lợi từ tài nguyên này”. Vì vậy, bà Nam Phương cho rằng, thành phố nên xem xét việc cho doanh nghiệp thuê đất với hình thức trả tiền hằng năm thay vì phải trả một lần như hiện nay. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm được gánh nặng về chi phí, vốn mà còn giúp ngân sách thành phố có được nguồn thu thường xuyên, ổn định từ nguồn thuế đất.
Trong khi đó, ông Lê Văn Đường, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Cẩm Lệ cho rằng, thành phố nên cho phép hình thành các cụm công nghiệp nhỏ, bởi lẽ giá thuê mặt bằng ở các khu công nghiệp khá cao, các doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được các điều kiện để thuê đất. “Hai năm qua, Hội đã trình lên các cấp chính quyền từ quận đến thành phố xin được hình thành một cụm công nghiệp riêng đặt tại phường Hòa Thọ Tây (đối diện khu công nghiệp Hòa Cầm) khoảng 26,6ha với các chính sách đi kèm như hỗ trợ kinh phí di dời, thuế thuê đất ban đầu với mức giá phù hợp điều kiện của doanh nghiệp… Khi đưa vào hoạt động, cụm công nghiệp này sẽ giải quyết mặt bằng cho trên 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất”, ông Đường cho biết.
Thúc đẩy các yếu tố phát triển du lịch
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, trong đó biển và hệ sinh thái ở bán đảo Sơn Trà chính là báu vật, lợi thế hiếm có mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Thành phố cũng đã có những đầu tư lớn về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Nhưng để du lịch Đà Nẵng vươn ra thế giới, theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, thành phố cần có quy hoạch tổng thể, khoa học các bãi biển; quy hoạch tổng thể Sơn Trà, đầu tư có trọng điểm cho sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu, du lịch tâm linh ở bán đảo này. Đồng thời, xây dựng và đưa vọoc chà vá chân nâu trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng hỗ trợ đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Úc và các nước ASEAN, kích cầu giảm giá nhà hàng, tour tham quan; thí điểm tuyến đi bộ, ẩm thực và mua sắm vào cuối tuần ở đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng… Nếu thành phố giải quyết tốt những vấn đề này sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) đề xuất ý kiến nên tăng cường sản phẩm để thu hút khách quốc tế như hình thành những chuyến xe bus miễn phí của các đơn vị tư nhân để chở khách ra Huế, vào Hội An nhằm hạn chế tình trạng khách ngủ đêm ở Hội An; hoặc với đối tượng khách đi nghỉ mát ở các khu nghỉ mát, nghĩ dưỡng sang trọng, thích đi mua sắm thì phải có các điểm vui chơi, mua sắm nhiều hơn nữa nhằm tăng sức mua; làm phong phú hơn những điểm đến…
Khánh Hòa